Theo đó, các công trình, nhà trái phép trên đất sản xuất lâu năm, đất rừng, đất ruộng chờ đền bù đã được tháo dỡ xong trước ngày 30-4. Địa phương này cũng đã xử phạt hành chính 7 trường hợp với tổng số tiền 28 triệu đồng (4 triệu đồng/hộ).
Hàng loạt ngôi nhà mới xây dựng trong khu vực đã được quy hoạch dự án để chờ đền bù |
"Đến thời điểm này vẫn còn khoảng 10 trường hợp nữa chưa chịu tháo dỡ các công trình vi phạm. Xã đã xin với huyện gia hạn thêm thời gian đến ngày 15-5 tới sẽ tháo dỡ hết. Nếu quá thời gian đó, những hộ dân này không chấp hành việc tháo thì sẽ cưỡng chế theo quy định", ông Sang nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, sau vụ việc lần này, địa phương sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh, tuyên truyền vận động cho người dân biết để tránh tình trạng này tái diễn.
Nhiều công trình ồ ạt xây dựng trái phép đã được tháo dỡ |
Còn ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, đến thời điểm này, xã đã ban hành xử phạt hành chính 7/23 hộ. Ngoài ra, vận động 8 hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.
Ông Nguyễn Hùng Anh cũng thông tin, liên quan đến vụ việc, huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh.
Trước đó, như Báo SGGP phản ánh, sau khi nghe tin chuẩn bị triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế, hàng chục hộ dân trong vùng dự án đã tự ý xây dựng công trình, trồng cây… nhằm trục lợi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần lớn các công trình này vừa mới được xây dựng tạm bợ, không đào móng, không đổ bê tông.
Chỉ hơn 10 ngày sau khi có thông tin, hàng chục hộ dân đã ồ ạt đưa phương tiện, tập kết vật liệu để xây dựng công trình trái phép. Mục đích xây dựng để “đón đầu” dự án, trục lợi đền bù giải tỏa. Theo ghi nhận, chỉ trong vòng bán kính chưa tới 1km, hơn 60 công trình trái phép được dựng lên ở khu vực rừng keo, bờ suối và cả đất ruộng.
Dự án hồ chứa nước Hố Khế thuộc dự án cụm hồ chứa nước Hố Khế, Mò Ó, Cha Mai, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do Bộ NN-PTNT quản lý và ngân sách tỉnh với tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng.