Ngày 3-10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và khảo sát thực tế một số điểm liên quan đến bảo tồn và phát triển dược liệu và sâm Ngọc Linh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với diện tích 15.567ha. Ngoài ra, đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Các công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh cũng được Quảng Nam rất quan tâm.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác thuộc Bộ Y tế với UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, dự kiến ngày 15-10 tới đây, tỉnh Quảng Nam sẽ có đề cương Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam. Đề án tập trung vào việc phải xây dựng được cơ chế để đem lại sức bật cho doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, Quảng Nam có rất nhiều cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp dược liệu, đặc biệt với sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, logistics và cảng biển tại Quảng Nam là điều kiện phát triển thuận lợi đối với doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chủ trương xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đề án còn khá chậm, do đó yêu cầu Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án.
Các nhân viên chăm sóc sâm tại Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG Tiếp đó, Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế địa bàn triển khai khu công nghiệp chiếc xuất dược liệu tại Nhà máy chế biến dược liệu của Công ty Sâm Sâm (KCN Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Báo cáo với đoàn công tác, đại điện Công ty Sâm Sâm cho biết, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm, mục tiêu đến năm 2030 đạt năng suất 5 triệu cây giống/năm. Cùng với đó, công ty đã nghiên cứu và chế xuất thành công hơn 10 loại sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.
Các đại biểu xem một cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô đã đủ tiêu chuẩn đem ra thích nghi với môi trường tự nhiên. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Qua đó, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận xét, đơn vị đã có được nhiều sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh rất đáng mừng. Tuy nhiên, công ty cũng cần nghiên cứu nhiều sản phẩm hơn nữa để phát huy hết tác dụng của sâm Ngọc Linh. Về những đề xuất, khó khăn của công ty cũng là những ý kiến hay để Bộ Y tế tiếp thu, nghiên cứu.
Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ tiếp tục khảo sát các khu vực dự kiến triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý (thuộc Dự án Trung tâm nhân giống tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
NGUYỄN CƯỜNG