Người dân cho biết, cơn bão năm 2020 đã khiến nhiều diện tích keo trồng bị gãy đổ, sau đó người dân đã chọn lựa những giống cây có thể chịu được sức gió để làm lại vụ mới. Tuy nhiên, khi keo vừa được 2 năm tuổi thì bỗng nhiên vàng lá và chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Trước tình trạng keo chết, Phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức đã phối hợp UBND các xã tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân và hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh trên cây keo. Xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến keo chết là do nhiễm nấm Ceratocystis manginecans, với tổng diện tích thiệt hại là 1.820ha. Ông Nguyễn Tấn Nghiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức, cho biết, chính quyền cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của bệnh trên cây keo để có biện pháp xử lý kịp thời, đạt hiệu quả.
Còn theo bà Nguyễn Thị Sương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam), đơn vị đã phối hợp UBND huyện Hiệp Đức tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết cho bà con đối với mầm bệnh nấm Ceratocystis manginecans nhằm sớm phát hiện và đối phó với bệnh; khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp thủ công để khoanh vùng, ngăn không cho bệnh lây lan; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng…
Bà Sương cũng khuyến cáo, đối với diện tích keo trồng mới, người dân cần lựa chọn cây giống tốt, có khả năng chống chọi với các loại bệnh; thường xuyên theo dõi, khi thấy cây xuất hiện mầm bệnh, cần tiến hành cắt bỏ, tiêu hủy cành, lá bị bệnh và phun hóa chất diệt trừ nấm; ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thực bì và làm đất theo khuyến cáo nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh.