Hội thảo với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước.
Có 9 tham luận được trình bày tại hội thảo, những bài tham luận tập trung vào những nội dung chính như lịch sử - khảo cổ, dân tộc - tôn giáo, văn hóa - ngôn ngữ, kinh tế - xã hội.
Ông Lê Trí Thanh tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử 550 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Cuộc hội thảo lần này nhằm nhận diện các giá trị, di sản, nguồn lực, bản sắc của vùng đất này. Đây là một việc làm hết sức quan trọng, để từ đó đánh giá những thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của Quảng Nam. Hội thảo cũng chỉ ra những rào cản, điểm nghẽn cần phải khơi thông để giúp Quảng Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Quảng Nam nhiều hơn nữa.
Còn theo GS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, có thể thấy quá trình xác lập vùng đất Quảng Nam trở thành một bộ phận lãnh thổ Đại Việt được các triều đại quân chủ Việt Nam tiến hành trải qua một quá trình lâu dài, và có thời kỳ “tiến – lui” trải qua gần 1 thế kỷ. Vùng đất Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình Nam tiến của các triều đại quân chủ Việt Nam, bởi vị trí địa lý mang yếu tố chính trị, quân sự đặc biệt quan trọng.
“Trong quá trình ấy, nhân dân Quảng Nam đã cùng cả nước tham gia vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển kinh tế, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Đức Nhuệ cho hay.
Trong chương trình khai mạc, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021-2025.