Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng Quảng Nam cần định vị rõ vị trí, vai trò của Hội An – Điện Bàn trong kế hoạch chung của toàn chuỗi và chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Cùng với đó xem xét mở rộng chùm đô thị du lịch biển Hội An - Điện Bàn sang địa bàn huyện Thăng Bình nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển khu vực này, xây dựng vùng đô thị du lịch lấy Hội An làm hạt nhân.
Ngày 25-6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững”.
Quan cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG Phát biểu khai mạc, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam có đầy đủ biên giới, hải đảo, sân bay, cảng biển, đồng bằng, miền núi. Sau 25 năm chia tách tỉnh, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá. Đô thị là khu vực đóng góp GDP lớn nhất cho tỉnh, với lợi thế nhiều vùng đất ven sông, ven biển khá đắc địa.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tin tưởng khu vực đô thị ven sông, ven biển nếu được quy hoạch, phát triển đúng hướng, bền vững, sẽ giúp Quảng Nam đi trước, đón đầu, duy trì nhịp độ phát triển. Trong quá trình phát triển, các địa phương cũng đã tích cực học tập, đúc kết kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên cả nước cũng như nước ngoài để xây dựng đô thị theo hướng bền vững.
Một cây cầu mới được Quảng Nam xây dựng bắt qua sông Cổ Cò để phát triển đô thị mới. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG Còn KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Quảng Nam muốn phát triển đô thị theo hướng sinh thái, bền vững thì phải đảm bảo tốt nhất đời sống cho người dân trong đô thị cũng như nông thôn. Chúng ta phải hiểu được thiên nhiên như thế nào?, biến đổi khí hậu ra sao?. Việc điều tiết các dòng sông bằng hệ thống đập, tạo dòng chảy thoát lũ. Thứ hai là việc quy hoạch để làm thế nào các đô thị, làng mạc không nằm trong vùng bị xói lở, lũ lụt từ đó nghiên cứu vị trí các đô thị dọc sông. Còn về đô thị ven biển thì Quảng Nam lấy Cửa Đại làm kinh nghiệm, phải tính toán, có phương án kỹ thuật để chống chọi và tổ chức không gian đô thị biển ra sao để phù hợp với biến đổi khí hậu.
Việc quy hoạch, Quảng Nam có bản sắc văn hóa rất rõ nét đó là Hội An. Quảng Nam nên phát huy giá trị của Hội An cũng như nét kiến trúc của đồng bằng ven biển miền Trung, chúng ta sẽ tạo dựng được bộ mặt đô thị. Kiến trúc nói lên vị thế của từng địa phương. Những công trình kiến trúc mang tính công cộng lớn như khách sạn, bảo tàng, khu thể dục thể thao... là những công trình mang ý nghĩa lớn, điểm nhấn đô thị. Quảng Nam cần tính toán, xem xét, nếu cần thiết thì mở cuộc thi quốc tế để lựa chọn những công trình vừa có bản sắc đất Quảng vừa có tính hiện đại.
Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Quảng Nam cần xác định rõ các mối quan hệ giữa chùm đô thị du lịch biển Hội An - Điện Bàn với chuỗi đô thị ven biển Nam Trung bộ, kéo dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Định vị rõ vị trí, vai trò của Hội An – Điện Bàn trong kế hoạch chung của toàn chuỗi và chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Từ đó xác định được tính chất đô thị, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển đô thị. Xem xét mở rộng chùm đô thị du lịch biển Hội An - Điện Bàn sang địa bàn huyện Thăng Bình nhằm khai thác nguồn tài nguyên biển khu vực này, xây dựng vùng đô thị du lịch lấy Hội An làm hạt nhân.
Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tham luận. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG Quảng Nam cũng cần nghiên cứu phân bố các cơ sở lưu trú phù hợp, tránh tập trung một chỗ làm quá tải hạ tầng, giảm sút chất lượng phục vụ. Trong điều kiện cho phép, cần quy hoạch khu vực dịch vụ, vui chơi giải trí riêng biệt, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân để đảm bảo hoạt động du lịch có thể diễn ra 24/24, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm đô thị.
Việc phát triển đô thị du lịch ở Quảng Nam cần lấy Hội An làm hạt nhân. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG “Với việc quy hoạch và xây dựng Hội An – Điện Bàn trở thành đô thị du lịch biển cùng với phát triển chuỗi 5 đô thị ven biển sẽ góp phần thực hiện hóa chủ trương xây dựng vùng Đông Quảng Nam trở thành vùng kinh tế động lực. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành địa điểm du lịch và di sản nổi tiếng thế giới và một tỉnh công nghiệp hiện đại, một cực tăng trưởng của vùng Nam Trung bộ và Duyên hải miền Trung vào năm 2030”, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định.
Với 20 tham luận, Hội thảo tập trung vào nghiên cứu và thảo luận một số vấn đề về thực trạng và định hướng quy hoạch, quản lý phát triển của các đô thị ven biển theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu. Từ đó, đề xuất những giải pháp quy hoạch không gian đô thị ven biển và một số cơ chế chính sách đặc thù, đảm bảo cho sự phát triển xanh – bền vững của các đô thị ven biển Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng.
NGUYỄN CƯỜNG