Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện với yêu cầu phải khởi công trong quý IV - 2009 nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Năm 2014, sau khi rà soát Bộ Công Thương thông báo Đăk Di 4 thuộc đối tượng các dự án thủy điện phải tạm dừng, chưa được đầu tư xây dựng trước năm 2015.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty CP SIC được phép triển khai dự án trên trong năm 2015 và Bộ Công Thương đã thống nhất.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP SIC sang Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án.
Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đã ký cam kết thực hiện dự án vào ngày 14-4-2016 với số tiền yêu cầu ký quỹ là 3,84 tỉ đồng, thời hạn nộp tiền chậm nhất vào ngày 14-5-2016. Tuy nhiên, công ty đã không nộp tiền theo đúng cam kết.
Ngày 17-3-2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn về việc chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4. Thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án trên đối với Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4.
Sau khi tỉnh thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án, doanh nghiệp đã có đơn "kêu cứu" gửi UBND tỉnh, các bộ ngành và Chính phủ.
Chủ đầu tư mong muốn được phép tiếp tục thực hiện dự án nhằm tháo gỡ khó khăn về các khoản góp vốn của các cổ đông, các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các đối tác không bị hủy bỏ; các công việc đã và đang thực hiện với cam kết sẽ thực hiện ngay các tồn tại về hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan trong thời gian bị tạm dừng. Nếu sau 12 tháng kể từ ngày cho phép mà không triển khai thì công ty sẽ tự nguyện phối hợp với các ban ngành tỉnh Quảng Nam để bàn giao dự án mà không có bất cứ khiếu kiện nào.
Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo cụ thể, nêu rõ quan điểm của tỉnh.
“Hiện nay tỉnh đã giao Sở Công thương lập bộ tiêu chí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án trên. Trường hợp Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 đáp ứng được các yêu cầu trong bộ tiêu chí, muốn tiếp tục đầu tư dự án thì được tham gia đấu thầu”, ông Huỳnh Khánh Toàn nói.