Trước đó, ngày 5-10, khi đang ở nhà ông bà nội tại xã Duy Hải, V.V.N (13 tuổi, trú thôn Hội Sơn, đang học tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có nhiều triệu chứng của bệnh bạch hầu nhưng do biểu hiện giống cảm sốt, viêm amiđan nên gia đình tự mua thuốc uống.
Sáu ngày sau, N. sốt cao hơn và có triệu chứng đau họng khó nuốt. Người nhà đưa em vào Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (TP Hội An) khám và sau đó chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tối cùng ngày.
Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Kết quả, N. dương tính với bệnh bạch hầu.
Ngày 19-10, L.V.T.H. (14 tuổi) và N.V.A.T. (6 tuổi, cùng trú xã Duy Nghĩa), cả hai em này xuất hiện các triệu chứng của bệnh bạch hầu. Các em được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để được điều trị cách ly, đồng thời lấy mẫu gửi đi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Trước đó, tháng 10-2017, bảy học sinh một trường tiểu học ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam, được xác định mắc bệnh bạch hầu và có một bé đã tử vong. Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, kết quả xét nghiệm sơ bộ cho thấy cả 7 học sinh dương tính với vi khuẩn bệnh bạch hầu.
Theo Bộ Y tế, trước đây bệnh bạch hầu xuất hiện khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu. Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, bệnh bạch hầu dường chưa được loại trừ hoàn toàn ở nước ta, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.