“Mặc dù đã có hướng dẫn phải tổ chức lót bạt tại các điểm chôn lấp để giữ vệ sinh môi trường nhưng Quảng Nam chưa tổ chức được, đây là vấn đề quan ngại cần được chú ý, nhất là khi miền Trung chuẩn bị bước vào mùa mưa”, ông Cường nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có hơn 80 trang trại chăn nuôi heo nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng rất cao.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 09-7-2019, trên toàn tỉnh Quảng Nam, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 3.017 hộ tại 254 thôn, 89 xã, thị trấn, thành phố thuộc 13 huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nam Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Đại Lộc.
Tổng số heo chết và tiêu hủy hơn 12.000 con, khối lượng trên 585 tấn. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ, cơ sở chăn nuôi heo với quy mô nhỏ lẻ, rải rác.
Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, theo dõi, giám sát công tác vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, xã, thị trấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT để ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt heo; xây dựng các điểm chốt chặn kiểm dịch động vật….
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN-MT sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với địa phương về diện tích, số lượng chôn lấp tại các điểm tiêu hủy heo bệnh sao cho phù hợp, tránh xảy ra tình trạng sụt lún, xói mòn, bốc mùi hôi thối.