Thiếu nước trầm trọng
Những ngày qua, hàng chục ngàn nông dân tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) như “ngồi trên đống lửa” khi gần 2.000ha lúa đang canh tác không có nước tưới, khiến cây vàng vọt. Vụ lúa Đông – Xuân vốn được kỳ vọng là vụ mùa mang lại thu nhập tốt cho người nông dân do thường cho năng suất và giá bán cao. Nhưng năm nay, vào thời điểm cây lúa đang đẻ nhánh, làm đòng thì lại thiếu nước, có thể dẫn đến nguy cơ mất mùa.
Gần 2.000ha lúa của nông dân thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đang đứng trước nguy cơ mất mùa do thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Lê Xí (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết: “Nhà có hơn 2 sào lúa phụ thuộc nước hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi của địa phương. Nhà tôi ở ngay chỗ đập ngăn mặn, mọi năm vào thời điểm này đã đắp đập nên nước tưới đầy đủ, nhưng năm nay không hiểu sao đã giữa tháng 3 mà vẫn chưa thi công. Bao nhiêu tiền giống, tiền phân có thể mất trắng vì lúa thiếu nước nên cháy lá hết rồi”.
Cùng sự lo lắng, bà Lý Thị Tình (trú phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) cho biết, những ngày gần đây việc cung cấp nước thất thường nên rất lo lúa bị thiếu nước, nhất là khi cây đang lúc đẻ nhánh như hiện nay.
Hiện nay đã có nước mặn xâm nhập với nồng độ mặn tại cầu Tứ Câu (thuộc sông Vĩnh Điện), cụ thể: vào ngày 5-2 là 6,2‰, vào ngày 16-2 là 6,5‰, đến giữa tháng 3 đã lên đến 15‰. Điều này gây khó khăn cho việc các trạm bơm khai thác nước ngọt để cung cấp nước tưới cho gần 2.000ha lúa.
Việc cấp nước diễn ra thất thường do sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, những đợt vừa rồi nước mặn xâm nhập sâu khiến cho đơn vị không có nước để bơm. Công ty phải chỉ đạo các trạm bơm lách mặn, mỗi khi có nước ngọt thì bơm được một ít.
“Để phục vụ cho việc sản xuất của người dân, nhân viên tại các trạm bơm phải túc trực đo độ mặn cả ngày lẫn đêm, khi nào có nước ngọt là tranh thủ bơm ngay. Như khi chân triều, nước mặn xuống thấp thì bơm được vài giờ đồng hồ, đến khi thủy triều lên thì phải dừng lại. Nếu không sớm thi công đập ngăn mặn sẽ uy hiếp gần 2.000ha vì nguy cơ thiếu nước, mất mùa”, ông Thiên lo lắng nói.
Đập ngăn mặn “bất động” vì thiếu cát
Từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã Điện Bàn đã triển khai phương án đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt. Điều này nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực TP Hội An và TP Đà Nẵng. Đập ngăn mặn này còn giúp nhà máy nước Vĩnh Điện hoạt động ổn định để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã Điện Bàn.
Vị trí để đắp đập ngăn mặn đến nay vẫn "án binh bất động" do thiếu nguồn cát đắp đập. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Năm nay, công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc. Dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng, trong đó, nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3. Tuy nhiên, qua 2 lần mở thầu vào ngày 16-2 và 14-3, vẫn không có đơn vị nào tham dự gói thi công công trình này.
UBND thị xã Điện Bàn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các sở, ngành có liên quan về tình hình trên. Đồng thời đề nghị xem xét, cho phép lấy cát với khối lượng khoảng 10.000m3 trên địa bàn thị xã để thi công đập ngăn mặn. Tuy nhiên, Sở TN-MT cho rằng Luật Khoáng sản và các văn bản dưới Luật không cho phép việc khai thác khoáng sản ở các mỏ mà không có giấy phép khai thác.
Mỗi năm thị xã Điện Bàn chi ra khoảng 3 tỷ đồng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho gần 2.000ha lúa vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ông Nguyễn Đức Tài, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài việc khan hiếm nguồn cát thì giá cát trên thị trường quá cao so với giá hồ sơ dự toán là 185.000 đồng/m3 nên khi mở thầu thì không có nhà thầu nào tham gia. UBND thị xã đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp tìm nguồn cát để thi công. Nếu như xin được UBND tỉnh tìm được nguồn cát để thi công sẽ xin gia hạn 10 ngày để tổ chức mở đấu thầu lại. Hiện công trình đang rất cấp bách.