Quảng Nam đôn đốc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò

Ngày 30-10, Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 đã kiểm tra, tổ chức cam kết về tiến độ bồi thường và bàn giao mặt bằng dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.

Năm 2016 dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò được lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng... được hình thành dọc theo 28km đường sông.

Quảng Nam đôn đốc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò ảnh 1 Một đoạn sông Cổ Cò qua TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Dự án nạo vét sông Cổ Cò qua tỉnh Quảng Nam dài 19,5 Km, với tổng kinh phí được duyệt 1.545 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, công tác giải phóng mặt bằng một số đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn vướng mắc, khiến tiến độ khơi thông dòng sông này bị chậm lại.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đến nay kế hoạch vốn đã cấp 454,5 tỷ đồng, đã giải ngân 439,7 tỷ đồng đạt 97% kế hoạch vốn.

Quảng Nam đôn đốc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò ảnh 2 Đoàn công tác nghe báo cáo tiến độ nạo vét dự án sông Cổ Cò. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân chưa nhận hỗ trợ do cho rằng giá bồi thường thấp, khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, về phần nạo vét luồng sông có khoảng 90ha đất bị ảnh hưởng với 664 hộ dân nằm trong nơi cần giải phóng mặt bằng. Khó khăn lớn nhất của Điện Bàn hiện nay là giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Đến nay, thị xã Điện Bàn đã phê duyệt 14 phương án bồi thường với tổng kinh phí là 111,3 tỷ đồng gồm 605 hộ, diện tích thu hồi khoảng 41,8ha. Tổng diện tích đã bàn giao cho Ban quản lý là 76ha, còn lại 14ha đang thực hiện giải phóng mặt bằng.

 
Quảng Nam đôn đốc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò ảnh 3 Có 12 cây cầu sẽ bắt qua sông Cổ Cò để thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các địa phương cần có thêm khu tái định cư, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm đất tại các dự án để phục vụ tái định cư cho người dân để bà con nhanh chóng bàn giao mặt bằng thi công dự án. Thị xã Điện Bàn cũng cần lập tổ công tác bồi thường nhằm giải quyết các vướng mắc khi thực hiện công tác bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con để việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án được nhanh chóng.

Kết luận cuộc họp, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng dự án nạo vét sông Cổ Cò có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kinh tế, xã hội của tỉnh, được nhiều người trong tỉnh và cả nước quan tâm. Dự án khi nạo vét khơi thông sẽ giúp kết nối hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng, hỗ trợ phát triển du lịch, khơi nguồn lại giá trị văn hóa – lịch sử, tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía đông Điện Bàn, tạo động lực phát triển đô thị hai bên dòng sông và cả khu vực.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị các đơn vị phát huy vai trò của mình trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt, các đơn vị cần lắng nghe những bức xúc, vướng mắc của người dân, từ đó giải thích, tháo gỡ khó khăn cụ thể cho từng hộ dân, đẩy nhanh tiến độ khơi thông sông Cổ Cò.

Quảng Nam đôn đốc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò ảnh 4 Các đơn vị ký cam kết về tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Cũng trong dịp này, Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 chứng kiến việc ký cam kết của Ban Giao thông, lãnh đạo TP Hội An, thị xã Điện Bàn, các xã phường liên quan và bí thư chi bộ, trưởng thôn, khối phố, ban công tác mặt trận về tiến độ bồi thường và bàn giao mặt bằng Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.

Tin cùng chuyên mục