Ông Nguyễn Đức Lợi, chủ đại lý cát trên đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), cho biết, hiện giá cát bán tại chỗ đã ở mức 360.000 đồng/m3, chưa kể tiền vận chuyển, nhưng không có nguồn cung cấp. “Các cơ sở quanh đây đều lấy cát từ các mỏ cát ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Nay các mỏ dừng hoạt động, không có cát để nhập nên buộc phải tăng giá. Nếu tình hình này tiếp diễn, chúng tôi sẽ phá sản vì không có tiền trả lãi vay ngân hàng”, ông Lợi than thở.
Một mỏ cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngưng hoạt động. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Theo các đại lý cát xây dựng tại Đà Nẵng, nếu cộng thêm tiền vận chuyển thì giá cát đã 400.000 đồng/m3, tăng từ 100.000-150.000 đồng/m3 nhưng liên tục… đứt hàng. Trong khi đó, cả tháng qua, việc thiếu nguồn cung cấp cát ở tỉnh Quảng Nam đã làm cho các công trình xây dựng trên địa bàn “đứng bánh”, nhà thầu lo lắng trễ hạn hợp đồng, đội giá thi công.
Ông Đỗ Xuân Tân, giám đốc một công ty xây dựng đang thi công công trình tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, các đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, nhất là cát, đều thông báo không có hàng, dù công ty có thể mua giá cao hơn để kịp tiến độ bàn giao.
“Hiện công ty đang thi công 10 căn biệt thự tại huyện Núi Thành đến giai đoạn tô tường nhưng không tìm được nơi cung cấp cát. Để kịp tiến độ, chúng tôi phải đi gom cát ở các điểm bán nhỏ lẻ với giá hơn 400.000 đồng/m3. Các công trình xây dựng cơ bản cũng rất khó khăn vì không mua được cát. Đối với công trình có vốn đầu tư công thì khó hơn vì có quy định giá vật liệu xây dựng, thời gian hoàn thành. Nếu tình hình cát khan hiếm thế này thì sẽ không có việc làm, nhân công sẽ bỏ đi địa phương khác, đến khi cần làm kịp tiến độ bàn giao rất khó”, ông Tân băn khoăn.
Ghi nhận tại các bãi tập kết cát thuộc địa bàn TP Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) đều trong tình trạng hết cát. Những nơi vốn có nhiều mỏ cát hoạt động như dọc bờ sông Vu Gia, khu vực cầu Hà Nha, Giao Thủy, nay im lìm. Những ghe hút cát neo bờ, máy múc ngừng hoạt động, cổng mỏ đóng. Những đoàn xe tải nặng nối đuôi chở cát nay cũng không còn bóng dáng.
Theo các đơn vị xây dựng, tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hầu hết nguồn cung cấp cát phụ thuộc vào các mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam có hơn 10 mỏ cát được cấp phép hoạt động khai thác, tuy nhiên chỉ một số mỏ phía hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia là có trữ lượng lớn, còn lại các mỏ cát tại trung du và miền núi của tỉnh có trữ lượng không đáng kể hoặc ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay, qua công tác nắm tình hình trên địa bàn ghi nhận có việc khan hiếm nguồn cát cung cấp xây dựng. Hiện tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương, chủ mỏ cát báo cáo nguyên nhân nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức.
“Trước mắt, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ mỏ khai thác cát phải thực hiện khai thác và bán theo trữ lượng như giấy phép đã được cấp. Ví dụ trữ lượng hiện có bao nhiêu thì phải khai thác tối đa, tránh tình trạng không khai thác để tạo khan hiếm giả nhằm đẩy giá. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Quang nhấn mạnh.