Cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào đề án quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này, vì đây là làn gió mới thổi bùng lên những “ngọn lửa” tiềm năng của dải đất “trung dũng kiên cường” lên một tầm cao mới với góc nhìn rộng hơn, xa hơn trên nền tảng phát triển vững chắc.
Báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trao đổi với ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố.
- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và vừa được công bố?
- Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Được sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các ban - bộ - ngành Trung ương, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và vừa chính thức được công bố, kết hợp với khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024, diễn ra tại TP Tam Kỳ hôm 16-3 vừa qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này được xem là sự chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050...
Hội nghị đã công bố các nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này là cơ sở để Quảng Nam xác định định hướng, mục tiêu, hoạch định chính sách, quản lý toàn diện trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ với tư duy đổi mới, sáng tạo, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và là cơ sở quan trọng để Quảng Nam xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Có thể nói, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này không chỉ có vai trò thúc đẩy sự phát triển cho riêng Quảng Nam mà là có một sự kết nối mang tính hệ thống với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Vì vậy, với quy hoạch này, Quảng Nam sẽ trở thành một cực phát triển trong tổng thể trục phát triển của cả vùng miền Trung và cả nước.
- Ông nhìn nhận như thế nào về những tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn, thách thức khi Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được công bố?
- Như tựa của loạt bài mà quý báo đã đăng tải vừa qua, có thể nhận định rằng, đây là một “cú huých” để tạo động lực cho Quảng Nam phát triển mạnh mẽ hơn về mọi mặt đời sống xã hội. Quảng Nam là địa phương có tiềm năng khá lớn từ diện tích rừng thuộc loại cao nhất nước, có đồng bằng phì nhiêu trải rộng và đặc biệt có bờ biển dài với những bãi biển rất đẹp, có thềm lục địa rộng lớn. Từ rừng xuống biển, xét về địa chính trị và địa kinh tế, Quảng Nam sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn tài nguyên và dư địa phát triển lớn. Hơn nữa, Quảng Nam là vùng đất được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “Ngũ phụng tề phi”, vậy nên, từ xa xưa, vùng đất này không chỉ “sở hữu” một nền văn hóa đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc, với hai Di sản Văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn; hô hát Bài chòi là Di sản phi vật thể văn hóa thế giới,... mà còn có một cộng đồng dân cư đa dạng, dồi dào về nguồn lực lao động, sinh ra những con người dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng tiếp thu những cái mới. Hơn nữa, người Quảng Nam thừa hưởng tính chịu thương, chịu khó của tiền nhân những ngày đầu vượt phá Tam Giang, vượt Hải Vân quan, đặt những bước chân đầu tiên mở cõi vùng đất phương Nam rộng lớn...
Địa chính trị của Quảng Nam đã tạo nên con người xứ Quảng mạnh mẽ, thẳng thắn nhưng sâu sắc. Nhờ vậy, người Quảng Nam dù ở quê hương hay sinh sống, học tập, lập nghiệp nơi nào đi nữa, họ cũng có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và cả những hiểm nguy để khẳng định mình, để đóng góp, cống hiến, phục vụ dân tộc, phụng sự Tổ quốc.
Tuy nhiên, mặc dù qua nhiều năm liên tiếp, Quảng Nam có sự phát triển mạnh mẽ thuộc top cao so với khu vực và cả nước về thu ngân sách nhưng yêu cầu của sự phát triển vẫn còn đòi hỏi sự nỗ lực, bứt phá hơn nữa. Cho nên, làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh luôn là câu hỏi thường trực trong tư duy, định hướng phát triển của tỉnh hiện nay.
- Ông nhắc nhiều về yếu tố lịch sử, văn hóa và con người?
- Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này mới chỉ là định hướng tổng thể, là “đề cương”. Vấn đề thực hiện cái “đề cương” ấy mang lại kết quả khả quan hay không thì chúng ta không thể tách nó rời ra khỏi lịch sử vùng đất, khỏi nền văn hóa đa dạng bản sắc và nhất là yếu tố con người. Bởi lẽ, quyết định sự thành bại thì yếu tố con người là quan trọng nhất.
Quyết định sự thành bại thì yếu tố con người là quan trọng nhất.
- Quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này thực ra như là một kịch bản chiến lược phát triển mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đặt ra. Vậy yếu tố môi trường được đặt ra ở kịch bản lần này là gì?
- “Phát triển” và “bảo tồn” mang tính thống nhất của hai mặt đối lập, không thể tách rời mà nương tựa vào nhau, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt còn lại để làm tiền đề. Bởi vậy, nếu làm quy hoạch mà đặt yếu tố môi trường không xứng tầm là cầm chắc sự thất bại. Bởi vậy, không chỉ trong quy hoạch lần này, mà từ rất lâu, người Quảng Nam không chỉ rất coi trọng yếu tố môi trường. Môi trường ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó là môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội và môi trường giáo dục... Có như vậy thì nay Quảng Nam mới là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, là nơi có hai Di sản văn hóa thế giới cùng với các thiết chế văn hóa đa dạng về màu sắc và mang đậm bản sắc xứ Quảng. Đặc biệt, có như vậy thì mới giữ được cốt cách con người xứ Quảng như hiện nay: hòa đồng, hiếu khách, chân thành, nghĩa khí và không bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Vì vậy, việc đăng cai tổ chức “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024” lần này cũng là cơ hội để Quảng Nam cụ thể hóa việc phát triển bền vững, theo hướng phát triển xanh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc tế, quốc gia đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân.
- Thời gian sắp tới sẽ là thời gian “bận rộn” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông có nghĩ về những thách thức và sự đồng hành của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư?
- Quy hoạch tỉnh vừa công bố mới chỉ là bước khởi đầu, mặc dù như một số doanh nghiệp phát biểu tính hiện thực của quy hoạch lần này là rất cao,… nhưng chúng tôi biết rằng, chặng đường thực hiện là rất dài, với mục tiêu rất lớn trong thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà thời gian đến, Quảng Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; sự đồng hành ủng hộ tích cực của các địa phương bạn, của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh để Quảng Nam triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả Quy hoạch tỉnh và tổ chức thành công Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh vừa qua, Quảng Nam đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho 10 nhà đầu tư với 16 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng. Đây là những dự án quan trọng để cụ thể hóa, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, vừa là những tín hiệu tốt để Quảng Nam mời gọi thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chung tay, tiếp thêm nguồn lực để hiện thực hóa Quy hoạch đã công bố.
Vì vậy, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội và nguồn lực từ trong nhân dân để phục vụ cho phát triển. Mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, mỗi doanh nhân trên địa bàn tỉnh phải nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn, quyết tâm lấy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, tinh thần chủ động vượt khó, sáng tạo trong tư duy, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng.
- Xin cảm ơn ông!