Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Theo định hướng phát triển, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng. Định hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các địa bàn đã được quy hoạch.
Từ đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản.
Các nội dung Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng phải phù hợp với lợi thế của tỉnh. Trọng tâm là chọn lọc, liên kết các mô hình để hình thành, phát triển một số vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực.
Củng cố quy mô vùng chuyên canh đã được hình thành, đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc... Từng bước nâng cấp, đối mới, mở rộng các khâu, các loại hình ứng dụng công nghệ cao, nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Trong đó ưu tiên cho ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ vào sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tiềm năng.
Mục tiêu của các dự án nông nghiệp công nghệ cao là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất và cơ sở hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, đồng bộ về kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan phù hợp với đặc điểm tự nhiên. Phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ quả có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các khu trang trại, khu dịch vụ phụ trợ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Nam cho biết, sở đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để thực hiện khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Giảm thiểu tình trạng tiêu thụ nông sản thô giá trị thấp, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, và đặc biệt nhằm cải tổ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao. Tăng tỷ trọng chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai thí điểm xây dựng bản đồ nông nghiệp số cho tỉnh Quảng Nam, sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất các địa phương trên toàn tỉnh. Cùng với đó, tạo cơ chế hỗ trợ, đào tạo và nâng cao tay nghề cho đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất trên lĩnh vực công nghệ cao. Từ đó, từng bước chuyên môn hoá và áp dụng thành thạo công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Còn theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch của tỉnh được xác định là một trong những nội dung ưu tiên trong thực hiện quy hoạch và phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi doanh nghiệp là nòng cốt – Hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm – Nông dân là chủ thể. Đồng thời đem lại cho người dân, khách du lịch tới Quảng Nam những trải nghiệm về loại hình du lịch mới gắn với các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp cùng với những dịch vụ hiện đại, tiện nghi...
Ông Bửu cho rằng, Quảng Nam sẽ hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người sản xuất, làm chủ các công nghệ mới được ứng dụng, chuyển giao, từng bước hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.