Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định quá trình phát triển hệ thống đô thị cần lựa chọn mô hình tổ chức không gian, phát triển hệ thống đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo đô thị liên kết tổng thể toàn vùng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các tiểu vùng và địa phương trong vùng.
Định hình hướng phát triển đô thị
Qua quá trình phát triển, tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, chất lượng đô thị trên địa bàn còn khiêm tốn, được hình thành và phát triển chủ yếu trên sự đảm nhiệm chức năng là đô thị hành chính. Đến năm 2022 toàn tỉnh Quảng Nam có 19 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 15 đô thị loại V.
Đa phần các đô thị được hình thành và phát triển chủ yếu trên sự đảm nhiệm chức năng là đô thị hành chính, thiếu yếu tố động lực như sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch. Yếu tố kết nối giao thông cũng là yếu tố khiến sự liên kết giữa đô thị các đô thị còn “lỏng lẻo”, khó hình thành được các cụm đô thị động lực để bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Quảng Nam xác định quá trình phát triển hệ thống đô thị cần lựa chọn mô hình tổ chức không gian, phát triển hệ thống đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảm bảo đô thị liên kết tổng thể toàn vùng, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các tiểu vùng và địa phương trong vùng. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tổ chức không gian phát triển đô thị gắn với không gian phát triển kinh tế.
Trên những cơ sở trên, tỉnh Quảng Nam đưa phương án quy hoạch hệ thống đô thị trong quy hoạch chung cần phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên. Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế công cộng quan trọng các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho các lứa tuổi.
Tỉnh Quảng Nam quan tâm gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị với thúc đẩy liên kết phát triển vùng. Nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với gia tăng hiệu quả kinh tế đô thị. Nâng cấp đồng bộ về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, công trình kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Chú trọng các công trình, dự án xây dựng thân thiện với môi trường. Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, trở thành động lực và không gian phát triển mới.
Đô thị trung tâm khoác áo mới
Để hiện thực hóa các quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 72, tỉnh đã cho rà soát đánh giá lại tất cả các tiềm năng và cơ hội phát triển các lợi thế phát triển của hệ thống đô thị trên toàn tỉnh. Trong đó xác định hai cách thức lập quy hoạch: Thứ nhất là quy hoạch dựa trên vùng lãnh thổ địa hình tự nhiên với các đơn vị hành chính. Thứ hai là căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất mà tỉnh đã được phê duyệt.
Để phát triển mạnh TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã lên phương án tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh nhằm hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí về dân số, diện tích của một đô thị đạt chuẩn loại I khi chỉ riêng TP Tam Kỳ không thể đảm đương nổi.
Lãnh đạo TP Tam Kỳ chia sẻ, Quy hoạch chung của TP Tam Kỳ được tỉnh Quảng Nam đã định hướng và phê duyệt vào năm 2014. Tại thời điểm đó, đã định hướng Tam Kỳ phát triển theo hướng đô thị xanh, phấn đấu lên đô thị loại I. Việc được đồng ý chủ trương sáp nhập với huyện Núi Thành gồm những vùng động lực chính của tỉnh như Chu Lai, Núi Thành, những đầu mối về hạ tầng như sân bay, cảng biển… là tiền đề cho sự phát triển của TP Tam Kỳ.
“Thành phố định hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại trước kia còn gặp nhiều khó khăn thì nay theo quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt thì lộ trình phát triển của địa phương được đầy đủ, rõ ràng hơn. Trước đây, chỉ đô thị Tam Kỳ thì không đủ các tiềm năng để phát triển, nhưng bây giờ tầm vóc đô thị lớn hơn, cơ hội cho việc phát triển được tốt hơn”, lãnh đạo này thông tin thêm.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Hiện nay, đô thị của thành phố Tam Kỳ và Núi Thành căn cứ vào Quyết định 72 được xác định là sáp nhập để trở thành đô thị loại I. Thì quy hoạch của Tam Kỳ và Núi Thành hiện nay cũng phải được đánh giá lại, rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch. Việc quy hoạch gắn với chức năng đặc thù, như đô thị Tam Kỳ được xác định trung tâm hành chính thì công tác quy hoạch không gian sắp tới vẫn phải lấy cốt lõi là trung tâm hành chính xanh, thông minh để phát triển các chức năng đô thị cho phù hợp”.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, việc sáp nhập 2 địa phương sắp tới thì cũng gắn với quy hoạch của khu kinh tế mở Chu Lai để trở thành một đô thị. Hướng đến phát triển sắp tới Tam Kỳ sẽ trở thành đô thị động lực loại I của tỉnh, nhưng có tác dụng hỗ trợ tích cực cho chuỗi đô thị của miền Trung Việt Nam.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam rất quan tâm nội dung quy hoạch, đã đầu tư nhiều công sức, nhân lực để làm quy hoạch tỉnh. Đây là nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội không chỉ trong tỉnh mà còn tham gia đóng góp đến sự phát triển của cả vùng. Quảng Nam đặt quyết tâm biến các nội dung trong quy hoạch tỉnh này thành hiện thực, trong thời gian sớm nhất và có hiệu quả nhất.