Một số nội dung nổi bật của Bộ Quy tắc như: Khách du lịch phải tuân thủ pháp luật và các quy định tại điểm đến; Với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng, an toàn; Thông tin đầy đủ và trung thực về sản phẩm, dịch vụ; Niêm yết, công khai giá cả, dịch vụ và bán đúng theo giá niêm yết; Ưu tiên hỗ trợ bán các sản vật, hàng hóa được sản xuất tại địa phương, các mặt hàng thân thiện với môi trường; Có trách nhiệm với môi trường và xã hội trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Hướng dẫn viên phải có đạo đức nghề nghiệp; không đưa khách đến những nơi không đảm bảo an toàn; Không tuyên truyền, giới thiệu sai lệch đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước…; Cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín; Không chèo kéo, đeo bám, nài ép du khách; Không phân biệt đối xử với khách du lịch; Hưởng ứng các hoạt động du lịch có trách nhiệm, thân thiện môi trường và hoạt động vui chơi lành mạnh...
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam (Bộ Quy tắc) có 3 chương 9 điều tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính gồm: khách du lịch đến Quảng Nam và người Quảng Nam đi du lịch (khách du lịch); Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; Cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Thời gian qua du lịch Quảng Nam luôn tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân khoảng 15%/năm. Riêng năm 2017, Quảng Nam đón trên 5,35 triệu lượt. Tuy nhiên, cùng với đó, môi trường du lịch tỉnh cũng phát sinh nhiều vấn đề như nạn cò mồi, chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh, môi trường du lịch xuống cấp…
Việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam được kỳ vọng là yếu tố quan trọng và cần thiết để du lịch Quảng Nam phát triển bền vững, chất lượng, góp phần nâng cao hình ảnh, khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam hiện nay và những năm tới.