Vốn là nhà vận động phòng chống tự tử, Tiến sĩ Onie cho hay dù ở Australia có nhiều chiến dịch kiểu như R U OK? Day (tạm dịch Bạn có ổn không?), nhưng vẫn có rất nhiều người cảm thấy miễn cưỡng trong việc yêu cầu giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Từng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm vào năm 2015 và cũng đã nhiều lần tự tìm đến cái chết, vị chuyên gia 29 tuổi này hiểu rằng nếu muốn tiếp cận và ngăn chặn người có ý định tự tử, phải “gặp được họ chính ở nơi khởi phát ý nghĩ tìm đến cái chết”.
“Chúng ta đều biết rằng những người làm công nghệ sử dụng các thuật toán phức tạp để biết chúng ta là ai, biết những gì chúng ta thích và không thích. Họ cũng có thể điều chỉnh quảng cáo cho phù hợp, để bán cho chúng ta nhiều thứ. Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng các thuật toán mà các công ty công nghệ sử dụng, để điều chỉnh quảng cáo cho phù hợp, giúp xác định và tiếp cận những cá nhân đang nghĩ đến việc tự tử”, Tiến sĩ Onie đặt câu hỏi. Từ suy nghĩ này, nhà tâm lý học đến từ Viện nghiên cứu Black Dog ở TP Sydney đã tập trung nghiên cứu vào việc tìm kiếm trực tuyến về thái độ và hành vi của mọi người, để bổ sung thêm cho bộ công cụ phòng chống tự tử.
Thử nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng quảng cáo của Google. Chuyên gia Onie cho 40 từ khóa như trầm cảm, tự tử, buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng vào thuật toán. Khi ai đó gõ từ khóa, hoặc cụm từ liên quan đến đau khổ hoặc tự tử, sẽ xuất hiện một quảng cáo trong đó đề nghị việc trợ giúp. Bằng cách nhấp vào quảng cáo, người dùng ngay lập tức được đưa đến các trang chứa đầy tài liệu, với mục đích cung cấp sự trợ giúp ngay lập tức.
Người dùng cũng có thể nhấp vào các video clip trên YouTube về thác nước, cảnh hoàng hôn êm ả, bể nuôi cá đủ màu sắc, xinh xắn. Hay họ cũng có thể giải câu đố cần sự tập trung cao độ hoặc đọc nghiên cứu về sức khỏe tâm thần. Mục tiêu là để đánh lạc hướng người dùng khỏi ý nghĩ tự tử. Các trang cũng bao gồm các số điện thoại của đường dây nóng để gọi trợ giúp.
Kéo dài 19 ngày trong tháng 3 vừa qua, thử nghiệm của Viện nghiên cứu Black Dog đã tiếp cận được hơn 120.000 người ở Australia. “Điều đó nói lên rằng giải pháp có phạm vi tiếp cận rất rộng, nhưng đồng thời cũng cho thấy thực trạng là rất nhiều người đau khổ và tìm kiếm từ khóa về tự tử”, Tiến sĩ Onie nói.
Tiến sĩ Jo Robinson, một chuyên gia về phòng chống tự tử, cộng tác với rất nhiều trường đại học tại Australia và trên thế giới, cho rằng, các chiến lược như quảng cáo trực tuyến rất hứa hẹn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ruth Vine, Phó Giám đốc Y tế Australia về sức khỏe tâm thần, nhận định công nghệ rất quan trọng trong việc kết nối những người trẻ muốn được giúp đỡ. “Mọi người có thể liên hệ để có được sự hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi. Sự trợ giúp về mặt tinh thần thật sự rất quan trọng”, bà Ruth Vine nói.
Tiến sĩ Onie và nhóm nghiên cứu hy vọng quảng cáo phòng chống tự tử sẽ nhận được tài trợ từ Chính phủ Australia, để ngày càng có nhiều người được hưởng lợi từ giải pháp này.