Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết, việc nghiên cứu nhằm tìm phương án thoát lũ cho huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mong muốn của lãnh đạo huyện và bà con nhân dân 2 huyện là cùng với việc tìm ra phương án thoát lũ tối ưu, mang tính bền vững còn có một vấn đề hết sức quan trọng, đó là phải tính toán để kết hợp được các giải pháp thoát lũ với việc mở ra cơ hội khai phá tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị của vùng đất này.
Trình bày các phương án thoát lũ
Xuất phát từ tình hình lũ lụt trên địa bàn huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh qua nhiều năm, nhất là trận lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, UBND huyện Lệ Thủy đã đề xuất Bộ NNPT-NT hỗ trợ tìm giải pháp để thoát lũ hiệu quả, giúp người dân địa phương chung sống an toàn, bền vững. Theo đó, Trường Đại học Thủy Lợi đã được Bộ NNPT-NT giao thực hiện đề tài nghiên cứu, tìm giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Dựa theo các kết quả phân tích, điều tra, khảo sát và xây dựng bản đồ ngập lụt cho khu vực Lệ Thủy – Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thủy Lợi đã đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm: nhóm giải pháp 1: Nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ; nhóm giải pháp 2: Cải tạo hành lang thoát lũ; nhóm giải pháp 3: Mở cửa thoát lũ mới ra biển và nhóm giải pháp 4 là Xây dựng hệ thống hồ trữ lũ.
Tại hội thảo, sau khi nghe nhóm nghiên cứu thuyết minh về các nhóm giải pháp tăng cường khả năng thoát lũ, giảm thiểu ngập lụt ở vùng Lệ Thủy - Quảng Ninh, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích tính phù hợp, khả thi của từng phương án. Trong đó, có nhiều ý kiến thiên về nhóm giải pháp 1 (nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ) có tính đến kết hợp với thực hiện các phương án khác như nâng cấp hệ thống đê kè hai bên bờ sông Long Đại, Mỹ Trung.
Các ý kiến của một số đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện các phương án thoát lũ bằng cách xây dựng các hồ để trữ lũ là không khả thi, vì Lệ Thủy, Quảng Ninh ở vùng trũng thấp, chỉ cần nước lũ ở mức báo động 2 trở lên là đã bị ngập lụt, nên các hồ chứa không thể phát huy tác dụng. Đối với phương án mở cửa thoát lũ mới ra biển, trong điều kiện hiện tại rất khó để thực hiện do kinh phí lớn, liên quan đến nhiều vấn đề môi trường.
Đại diện nhóm thực hiện đề tài của Trường Đại học Thủy Lợi đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là các vấn đề có tính thực tiễn và quy luật gây ra lũ lụt lớn ở vùng đất Lệ Thủy - Quảng Ninh. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho các phương án, giải pháp thoát lũ.