Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Thường cho biết, có áp lực trong việc gia hạn này, vì trước đó, BQL Khu kinh tế Quảng Bình đã đề xuất chấm dứt dự án.
Theo đó, văn bản số 195/KKT-KHĐT ngày 22-2-2024 do ông Hoàng Đăng Anh, Phó Trưởng ban Khu kinh tế Quảng Bình, nêu rõ, nhà đầu tư đề xuất mong muốn được tiếp tục gia hạn tiến độ để có cơ hội thực hiện dự án. Tuy nhiên, xét thấy đề xuất của nhà đầu tư không thuộc trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo Luật Đầu tư, BQL sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chủ trương trước khi thực hiện.
Trên cơ sở này, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đề nghị chấm dứt dự án viên nén năng lượng 240 tỷ đồng tại Khu kinh tế Hòn La (thuộc Khu kinh tế Quảng Bình).
Theo BQL Khu kinh tế Quảng Bình, Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Dohwa được BQL cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 8-4-2016, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD). Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 3ha, quý II-2017 đưa vào vận hành, công suất cao nhất đạt 200.000 tấn viên nén/năm.
Sau khi được cấp đất, từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH phát triển nguồn lực Dohwa Quảng Bình là chủ dự án chỉ xây hàng rào quanh khu đất, một căn nhà 2 tầng và để cho cỏ mọc. Sau 9 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư và qua 4 lần gia hạn, nhà máy vẫn chưa xây, đất để cho cỏ mọc và trở thành bãi chăn gia súc, cũng là nơi đổ xà bần.
Ông Phan Văn Thường, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Bình cho biết thêm: “Năm 2021, chủ đầu tư xin gia hạn, dự kiến hoàn thành dự án vào ngày 31-12-2022. Tuy nhiên, năm 2023, đơn vị này lại tiếp tục xin gia hạn đến ngày 31-12-2023 hoàn thành nhà máy nhưng đến nay không có động tĩnh xây dựng. Tại biên bản làm việc ngày 25-5-2023, chủ đầu tư cam kết đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ; trường hợp chưa triển khai thì BQL Khu kinh tế Quảng Bình báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thu hồi dự án theo quy định”.
Tuy nhiên hiện tại, nhà đầu tư có văn bản gửi đến BQL Khu kinh tế Quảng Bình cho rằng, họ muốn gia hạn là do tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế, tài chính thế giới. Và hiện BQL Khu kinh tế Quảng Bình lại trình UBND tỉnh châm chước gia hạn lần thứ 5 cho công ty này đến tháng 12-2025 đưa nhà máy vào sử dụng.