Ngày 1-8 một số ngư dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết trong gần 70 tàu bị chìm ở vịnh Hòn La sau bão số 2 vừa rồi có một số tàu bị đánh tan là do cưỡng chế cảng cá lậu không triệt để.
Một ngư dân đề nghị không nêu tên cho biết có khá nhiều tàu bị chìm vì va đập với cảng lậu của ông Tưởng Văn Thịnh (Quảng Đông) không được cơ quan chức năng cưỡng chế một cách toàn diện. Thiệt hại đối với ngư dân là rất lớn.
Ngư dân cho hay tàu cá bị sóng đánh chìm do cảng lậu không cưỡng chế triệt để Theo ngư dân này, nếu cảng lậu của ông Thịnh bị cưỡng chế bằng cách đào hết toàn bộ bê tông, đá hộc lên khỏi khu vực gần bờ thì tàu cá của ngư dân không bị sóng xô đâm vào gặp đá nhọn, xé nát tàu.
Cảng lậu này tồn tại khá lâu và Báo SGGP đã phản ánh, sau đó cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế theo quyết định 757/QĐ-CC ngày 4/4/2017 với yêu cầu sau 30 ngày phải hoàn tất công việc trả lại nguyên trạng mặt biển.
Trong biên bản về hiện trạng tháo dỡ cảng lậu được lập ngày 13/4/2017 gồm lãnh đạo huyện Quảng Trạch, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, lãnh đạo xã Quảng Đông kết luận: “Ông Tưởng Văn Thịnh đã tháo dỡ toàn bộ lán trại, di dời toàn bộ vật dụng, tài sản ra khỏi khu vực công trình xây dựng trái phép, đào xúc và bốc vận chuyển đi nơi khác toàn bộ khối lượng đất đá phong hóa dùng để tạo lập công trình cảng cá trái phép”.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, sau hơn 3 tháng cưỡng chế, nội dung trên hoàn toàn không đúng thực tế, phần lớn đất đá, bê tông ở cảng cá lậu vẫn không được “đưa đi toàn bộ” như biên bản.
Tại hiện trường, PV Báo SGGP chứng kiến một con đường đá tự phát vừa được đắp lên để nối với mảng bê tông rất lớn không được tháo dỡ, một số tàu cá tiếp tục neo vào và làm “hậu cần” buôn bán lén lút.
Một con đường đá ở cảng cá lậu Trong một diễn biến khác, UBND xã Quảng Đông, Ban Quản lý Khu kinh tế Hòn La đã đề xuất mở một bến cá cách cảng La chừng 180m, hiện Sở GTVT Quảng Bình đã hoàn thành đưa vào quy hoạch tuy nhiên trước thông tin dư luận nói việc quy hoạch này để hợp thức hóa cho ông Tưởng Văn Thịnh thì sở này cho hay giao cho ai là thẩm quyền của UBND tỉnh. Đại diện Sở GTVT cũng cho biết, bến cá này quá gần với cảng La tàu thuyền lớn vào cảng sẽ gặp khó khăn với tàu cá.
Trao đổi với ông ông Phan Trung Thành, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, kiêm Trưởng VP đại diện tại Hòn La, ông khẳng định không hề có chuyện ngư dân tiếp tục bán dầu hay thu mua cá ở cảng này.
Về việc xuất hiện con đường ra lại cảng lậu, ông Thành cho biết do có tàu chìm nên ngư dân đưa máy móc ra đắp đường để cẩu tàu lên. Tại vị trí đường đấu nối cảng lậu, khu kinh tế Quảng Bình đã cho lắp các khối bê tông để không cho cảng hoạt động trở lại, tuy nhiên người dân đã tự ý dỡ bỏ các khối bê tông này để đưa phương tiện vào cứu hộ.
Về ý kiến ngư dân phản ánh tàu chìm do cảng lậu không bị cưỡng chế triệt để, ông Thành đánh giá tàu chìm nhiều là do bão số 2 gây lốc xoáy lớn, các điểm khác trong vịnh Hòn La cũng chìm nhiều, ở quanh khu vực cảng lậu này có 5-6 chiếc thôi.
Lý do vì sao không cưỡng chế toàn bộ cầu cảng này để trả nguyên hiện trạng mặt biển, ông Thành cho hay, đơn vị được thuê sợ nước biển lên, tràn vào hư hỏng máy móc nên chỉ xúc đến vậy và người dân đã có cam kết không tái phạm, còn sau khi cứu hộ xong tàu cá, họ sẽ làm lại các khối bê tông.
MINH PHONG