Quảng Bình: Sống trong ô nhiễm và bất an, hàng trăm hộ dân muốn di dời khỏi mỏ đá

Ngày 17-9, ông Nguyễn Thanh Bình, trưởng thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, hơn 150 hộ dân đang bị mỏ đá Lèn Bảng (trữ lượng 24 triệu m³) uy hiếp, đe dọa tính mạng, nhà cửa, ruộng đồng.

Theo ông Bình và dân làng, thôn Bàu 3 sống mạn phía Nam của mỏ đá Lèn Bảng. Khu vực này 10 năm qua, đất đá trên đỉnh Lèn rơi xuống đe dọa tính mạng của người dân. Mỗi khi nổ mìn khai thác đá đã gây ô nhiễm môi trường, bụi bặm.

Clip: Mỏ đá 24 triệu m3 làm nứt nhà dân hộ dân

Ông Bình nói: "Toàn bộ nhà dân của thôn đều nứt do rung chấn từ nổ mìn khiến cuộc sống của bà con đảo lộn, không còn yên bình như xưa". Vừa nói, ông Bình vừa dẫn chúng tôi ra nhà văn hóa thôn, chỉ các vết nứt nhà văn hóa dọc ngang. Nhà ông Bình cũng bị nứt ngang do chấn động từ các vụ nổ mìn.

1000055433.jpg
Đá chực chờ lăn xuống ở núi Lèn Bảng

Các hộ dân lân cận, nhà đều bị nứt chằng chịt. Bà Phạm Thị Duyên cho biết: "Từ ngày mỏ đá về đây nổ mìn là bụi phủ về làng. Nhà tôi thì rung chấn bị xé trụ. Do ở vùng lũ nên nếu nước lên thì sập nhà. Mùa hè thì rất khó thở vì bụi".

1000055444.jpg
Một bãi đá cách mặt đất 150m chực chờ rơi xuống, uy hiếp tính mạng người dân

Bà Nguyễn Thị Tứ cho biết, ngoài nổ mìn gây nứt nhà, nhà của bà 2 lần đá bay rơi vỡ ngói, 1 lần rơi vào giếng nước.

1000055438.jpg
Những tảng đá hàng trăm tấn rơi xuống ruộng dân

Ông Bình đặc biệt lo lắng: "Chúng tôi bị uy hiếp trực tiếp của mỏ đá này. Đá cứ lăn xuống ruộng, nhà. Các dàn đá cheo leo nguy hiểm. Hôm 6-9, khoảng 80m3 đá rơi ầm ầm, có 3 chị phụ nữ đang làm đồng, đá bắn bủa vây, may mắn thoát chết".

1000055422.jpg
Nhà văn hóa thôn Bàu 3 bị nứt

Dân làng và trưởng thôn Bàu 3 cho biết, cần có kế hoạch di dời, định cư 157 hộ dân với 562 nhân khẩu nơi đây đến nơi ở mới. Bởi lẽ, mỏ đá có trữ lượng 24 triệu m3 nên sẽ còn hoạt động hàng chục năm tới, sạt lở là điều đáng lo ngại nhất. Hơn nữa, dân sống với rung chấn do nổ mìn, bụi mù thì chất lượng cuộc sống thấp, khó ổn định.

1000055417.jpg
Nhà dân bị nứt

Cạnh đó là thôn Bàu, ông Hoàng Thanh Luận, trưởng thôn, khi trao đổi với PV Báo SGGP cũng nói ý nguyện của 150 hộ dân, 550 nhân khẩu là muốn di dời do ảnh hưởng bởi nổ mìn của 3 mỏ đá khác, gồm mỏ đá của Tasco, Cosevco12, Thanh Tiến với tổng trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Các mỏ đá này làm ô nhiễm môi trường, nổ mìn làm nứt nhà khiến người dân chịu không thấu.

Cạnh xã Tiến Hóa là xã Châu Hóa, mỏ đá Lèn Hung quá gần đường sắt, mỗi lần nổ mìn, đá từ đỉnh núi rơi xuống gần đường sắt rất nguy hiểm.

1000055449.jpg
Đá rơi ào ào uy hiếp thôn Bàu 3

Ông Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, cho biết: "Bà con có ý kiến về mỏ đá uy hiếp cuộc sống là chính đáng. Địa phương nhiều lần làm việc với Công ty Đại Phát, tuy nhiên một số vấn đề giải quyết chưa thỏa mãn bà con. Khoảng 15 giờ ngày 6-9, dù không nổ mìn nhưng đá tự lăn xuống, 3 người thoát chết. Ngay lúc đó, xã cử cán bộ, công an, địa chính xác định hiện trường. Đồng thời làm việc với chủ mỏ đá quán triệt an toàn; phải rà soát các khu vực có nguy cơ đá lăn để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Giao đơn vị kiểm tra để báo cáo, đơn vị phải lập phương án. Nếu xử lý được thì cho xử lý, nếu không thì đề nghị Sở TN-MT xử lý".

1000055405.jpg
Mỏ đá 24 triệu m3 đe dọa hàng trăm hộ dân

Về vấn đề người dân muốn di dời cả 2 thôn để tránh "nhân tai" do khai thác mỏ đá, ông Tài cho biết sẽ cho họp dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con để báo cáo cấp trên có quy hoạch, kế hoạch, xác định mức độ nguy hiểm, sự uy hiếp của các mỏ đá tại các thôn.

Tin cùng chuyên mục