Tại Quảng Bình, có hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo ra nhiều việc làm cơ bản, vững chắc, mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Quảng Bình được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ du lịch, như; trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa; trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay); tham quan, trải nghiệm tại làng nghề, làng nghề truyền thống…
Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, chưa theo quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể. Việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình du lịch còn hạn chế. Chất lượng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu du khách.
Đại diện các đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các vấn đề liên quan để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Quảng Bình.
Các đại biểu thống nhất phương hướng nghiên cứu xu hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình; kinh nghiệm về phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của một số tỉnh, thành phố; đề xuất các giải pháp, mô hình phát triển du lịch cộng động, du lịch nông thôn trên địa bàn. Lấy con người bản địa làm trung tâm nhằm nâng cao sinh kế cho người dân.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho cộng đồng địa phương, một thành tố không thể thiếu là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cần hợp tác chặt chẽ. Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng là chìa khóa để xây dựng một ngành du lịch bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
"Bảo tồn, quảng bá không gian di sản văn hóa và tự nhiên tại nơi mình sống; phát triển sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo; hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để khai thác thị trường khách; không ngừng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hay về du lịch; thúc đẩy sự hợp tác và liên kết dịch vụ tại địa phương để giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của khu vực và tạo ra các chương trình du lịch phong phú và đa dạng nhằm phát triển dân sinh bền vững", ông Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.