Quảng Bình: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II được nâng công suất lên 1.500MW

Ngày 5-9, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng công suất nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Quảng Trạch II từ 1.200MW lên 1.500MW

Quyết định 500/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cho phép chuyển đổi từ than sang khí đối với Dự án NMNĐ Quảng Trạch II nhằm bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

1000057846.jpg
Khu vực quy hoạch cầu cảng cho nhà máy điện Quảng Trạch II

Trước đó, tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18-2-2021, Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư xây dựng NMNĐ Quảng Trạch II công suất 1.200MW; tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng; địa điểm thực hiện dự án tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, thuộc Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình. Dự án dự kiến vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2028; tổ máy số 2 vào năm 2029; áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, sử dụng lò hơi đốt than phun, với thông số hơi trên siêu tới hạn.

1000057847.jpg
Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đang hối hả thi công trước mùa mưa bão

Tại quyết định 500/QĐ-TTg, điều chỉnh tên gọi từ NMNĐ Quảng Trạch II sang NMNĐ LNG Quảng Trạch II; nâng công suất từ 1.200MW lên 1.500MW; nguồn vốn từ hơn 48.000 tỷ đồng lên hơn 52.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,1 tỷ USD); thay đổi công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp. Dự án NMNĐ LNG Quảng Trạch II gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 750MW; dự kiến khởi công vào quý III/2025; phát điện tổ máy số 1 vào quý IV/2028; phát điện tổ máy số 2 vào quý I/2029; và hoàn thành dự án năm 2030.

Nhằm phục vụ NMNĐ LNG Quảng Trạch II, dự án sẽ xây dựng 1 bến cập tàu LNG, đáp ứng cỡ tàu 100.000DWT tương ứng 218.000m3 LNG; xây dựng bồn chứa nhiên liệu LNG có dung tích bồn 250.000m3.

Theo Ban quản lý Nhiệt điện II, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần. Bên cạnh đó, lượng phát thải carbon ít hơn một nửa so với điện than, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường.

Đồng thời, điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ điện than sang điện khí sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc thu xếp vốn, do các tổ chức tín dụng nước ngoài từ chối cho vay đối với các dự án nhiệt điện than.

Việc chuyển đổi cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. NMNĐ LNG Quảng Trạch II đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 9 tỷ kWh mỗi năm, góp phần đảm bảo và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng quốc gia, nhà máy sẽ tăng cường điện ra miền Bắc qua đường dây 500kV mạch 3. Nhà máy cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung.

Tin cùng chuyên mục