Hiện đã có gần 1.000 lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. Huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn là 2 địa phương có số lượt người phải tiêm vaccine phòng dại nhiều nhất.
Theo CDC Quảng Bình, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại tùy theo vị trí, tình trạng vết cắn nặng nhẹ cũng như tình hình bệnh dại ở súc vật. CDC Quảng Bình cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, phác đồ điều trị bệnh dại phải tiêm đủ 5 mũi vaccine vào đúng 5 ngày (0-3-7-14-28) mới phát huy hiệu quả phòng bệnh.
Qua tìm hiểu, một số trung tâm y tế tuyến huyện đang cạn nguồn vaccine phòng dại. Riêng Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy từ giữa tháng 2 đã không còn vaccine phòng dại để tiêm cho bệnh nhân.
Trước vấn đề này, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, hiện tại, công tác đấu thầu vaccine năm 2024 đang vướng thủ tục vì chưa có thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu mới. Hiện nay, CDC đang căn cứ theo kết quả đấu thầu 2023 để mua thêm, tuy nhiên chỉ được mua theo quy định 20% trong tổng giá trị gói thầu nên tình hình rất căng.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lệ Thủy cho biết, từ tháng 2-2024 vaccine phòng dại đã hết, năm 2024 không đấu thầu được do vướng thủ tục hướng dẫn Luật Đấu thầu mới nên bà con trên địa bàn huyện đến tiêm phòng dại phải đi tiêm dịch vụ ngoài rất bất tiện. Ngoài ra, các huyện thị khác như Đồng Hới hiện cũng hết vaccine phòng dại. Trong khi đó, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn cũng chỉ chủ động lượng vaccine trong vài tháng tới.