Trường hợp đó là ông Đinh Chai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch. Ông Chai sinh năm 1996, được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch năm 2020 (nhiệm kỳ 2020-2025). Trước đó, ông Chai là Bí thư Đoàn xã Tân Trạch.
Theo ông Đại, Đinh Chai là một cán bộ mẫu mực, vượt khó học đại học Luật Huế, mở khóa học ở Quảng Bình. Tốt nghiệp bằng ưu, nên về xã công tác được phòng Nội vụ huyện xếp lương bậc đại học từ tháng 4-2024.
"Tôi luôn nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện bản thân. Cấp trên giao phó bất cứ việc gì tôi đều cố gắng hoàn thành, động viên dân bản cần cù lao động, con em siêng năng học tập. Hiện lương của cá nhân tôi và phụ cấp thực nhận mỗi tháng là 9 triệu đồng.", Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, Đinh Chai chia sẻ.
Thầy giáo dạy môn lịch sử trường THCS Tân Trạch, Nguyễn Thanh Bình, cho biết: "Tôi dạy ở đây gần 20 năm. Đinh Chai là học trò tôi chủ nhiệm hồi cấp 2. Chai là người chăm học, nhà khó khăn nhưng cần cù, cấp 3 về học dưới xuôi cũng rất nỗ lực. Nay em ấy có bằng đại học Luật, làm Phó Chủ tịch UBND xã là niềm vinh dự của người A rem. Vì em ấy là người A rem đầu tiên có bằng đại học".
Noi gương Đinh Chai, hiện xã Tân Trạch có 9 em là người A rem đi học đại học Quảng Bình, ngành nông nghiệp. Trong đó có 6 em học năm 2, 3 em học năm nhất thuộc diện xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Người A rem là tộc người nhỏ, thuộc dân tộc Chứt. Người A rem sống duy nhất tại xã Tân Trạch với 96 hộ, 368 khẩu.
Năm 1956, bộ đội phát hiện họ sống dọc trong hàng chục hang đá dưới suối Cà Roòng, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng và đưa lên cây số 39, đường 20- Quyết Thắng định cư, xây trường mở lớp, dựng bản cho đến nay.