Đến 7 giờ sáng nay 15-11, gió bão số 13 tại Thừa Thiên - Huế đã giảm và mưa nhẹ hạt dần. Tuy nhiên, tại các khu vực ven biển do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão nên vẫn còn gầm rít.
Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ 1 giờ đến 5 giờ sáng 15-11, gió bão gầm rú liên tục khiến nhiều mái nhà tôn và trường học bị bay tốc mái, cây xanh đổ gãy. Một số người lớn tuổi ở đây cho biết, đã lâu rồi họ mới chứng kiến cơn bão lớn và kéo dài như cơn bão số 13.
Nhà bà Lê Thị Xuyên, ở thị trấn Thuận An bị sập vào lúc 3 giờ 30 sáng cùng ngày vì gió bão thổi mạnh khiến chiếc tàu cá TTH 99911TS neo đậu ở phá Tam Giang đoạn qua tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An đứt neo trôi dạt rồi đâm vào căn nhà bà Xuyên rồi mắc kẹt tại đó. Rất may, lúc này nhà bà Xuyên không có người. Vào thời điểm trên cũng có nhiều tàu cá neo đậu tại đây bị đứt dây, đâm vào bờ.
>> Clip nhà bà Lê Thị Xuyên, ở thị trấn Thuận An bị thuyền cá đánh sập
Hiện chưa có thống kê thiệt hại về người và tài sản nhưng tại TP Huế nhiều cây to bị gãy đổ, bật gốc.
>> Một số hình ảnh mưa bão số 13 do PV Báo SGGP ghi sáng nay
Một số tuyến đường bị cây xanh gãy đổ chắn ngang nên việc lưu thông qua lại gặp khó khăn. Nhiều biển, bảng quảng cáo bị gió cuốn phăng xuống dưới mặt đường… Nhiều xe máy của người dân cũng bị gió quật đổ. Tuy nhiên, do người dân đã chủ động đề phòng, nên đã hạn chế tối đa thiệt hại.
Để triển khai công tác khắc thiệt hại sau bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 13 gây ra; chỉ đồng ý cho người dân đi sơ tán về lại nơi ở cũ khi thật sự an toàn; khuyến cáo cho người dân phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện…), chằng chống, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi vào ở; phối hợp với các lực lượng quân đội tổ chức đưa người dân từ nơi sơ tán trở về nhà, công tác đưa dân về phải đảm bảo trật tự, an toàn, lưu ý ưu tiên người già, người tàn tật, người bị đau ốm, trẻ em…; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn sau bão để chủ động ứng phó.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Thành đoàn TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai phương án dọn dẹp rác, xử lý vệ sinh môi trường sau bão; khắc phục sự cố điện, sự cố viễn thông, thiệt hại sạt lở, hư hỏng các tuyến đường giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành nông nghiệp; làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng quản lý, vận hành các hồ đập an toàn; tuyệt đối không để sự cố xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành giáo dục - đào tạo, đảm bảo việc dạy và học trở lại bình thường. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt.
Ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng vừa báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do bão số 13 gây ra trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của các sở, ngành và địa phương, tính đến 8 giờ ngày 15-11, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 2 nhà sập mái hiên nhà tạm; 3 nhà tốc mái 1 phần (dưới 30%) và 1 nhà bị tốc mái nhà bếp. Về nông nghiệp có 1 ghe nhỏ chìm, đứt 1 phao bù neo số 27B trong âu thuyền Thọ Quang, nhà màng sản xuất rau (xã Hoà Ninh) tốc mái hoàn toàn (khoảng 300m²) và khoảng 3ha rau màu vừa xuống giống bị hư hại. Về điện lực có 2 sự cố đường dây 110Kv; 414 trạm TBA còn mất điện và 32.563 khách hàng bị mất điện. Về giao thông, hệ thống đèn tín hiệu bị chạm một số nút, mất kết nối tín hiệu camera tại 28 vị trí; đường Như Nguyệt đoạn từ sàn cảnh quan thứ hai đến gần cầu Thuận Phước dài khoảng 800m, nước tràn mặt đường, sóng đánh hư hỏng vỉa hè, đá sàn cảnh quan và đoạn 48m lan can; đường Hoàng Sa, đoạn 700m gần đường Lê Đức Thọ, sóng đánh tràn rác, cát lên vỉa hè, mặt đường với khối lượng ít; đường Bà Nà Suối Mơ, sạt lở taluy dương tại 2 vị trí làm lấp rãnh thoát nước: 60m³; sóng biển đánh bật dãy lan can, bê tông đường Nguyễn Tất Thành: 7m; sạt lở đất mương thoát nước Bàu cạn 30m³, thôn Đông Lâm xã Hòa Phú. Khoảng 61 cây xanh bị gãy cành nhánh, nghiêng, ngã đổ đặc biệt trên các tuyến đường ven biển. Ngoài ra, có rác ở khu vực ven biển; một số pano bị ngã đổ; 1 cổng nghĩa trang liệt sĩ bị gãy ngã... |
* Quảng Trị: nhiều nhà tốc mái, nhiều tuyến đê biển bị sạt lở nghiêm trọng
Ngày 15-11, Bão số 13 và hoàn lưu bão đã gây ra mưa to, gió mạnh và sóng lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khiến nhiều nhà tốc mái, cây xanh gãy đổ cùng nhiều tuyến đê biển bị sạt lở nghiêm trọng.
Ghi nhận tại Bãi biển xã Gio Hải (huyện Gio Linh), sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, làm hư hỏng, sập đổ 9 quán kinh doanh của người dân.
Ông Phan Ngọc Tụng (63 tuổi, trú thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) chủ một nhà hàng tại bãi tắm Gio Hải cho biết: “Khoảng 1 giờ tối hôm qua thì sóng lớn cao nhất tầm 4 m dâng cao lên đánh vào gây sạt lở. Hàng quán trước đó đồ đạc đã chuyển đi chỗ khác còn ván với nhà hiện bị cuốn trôi xuống biển do sạt lở nghiêm trọng, dờ bị cuốn trôi hết rồi không còn gì nữa”.
Được biết, đến nay do ảnh hưởng của bão số 13 tại tỉnh Quảng Trị khiến 6 người bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa, 98 nhà dân bị tốc mái (trong đó huyện Hải Lăng có 52 nhà và huyện Triệu Phong có 46 nhà), 17 trụ điện gãy đổ, sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân.
Đảo Cồn Cỏ gió lớn cùng sóng dữ, người dân xuống hầm trú bão
Trước đó, trong sáng 15-11, tại đảo Cồn Cỏ có gió rất to khoảng cấp 10, giật câp 11 kèm theo những đợt sóng rất lớn.
Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, hiện thông tin liên lạc bị gián đoạn do mọi người vào hầm trú ẩn không có sóng. Trong sáng nay, tại đảo hiện có gió rất to khoảng cấp 10, giật câp 11 kèm theo những đợt sóng rất lớn. Trước đó người dân cùng lực lượng chức năng đã vào hầm trú để đảm bảo an toàn, chỉ còn một số cán bộ ở các đơn vị được cắt cử ở lại đơn vị để làm nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự.
>> Video gió rít từng đợt cùng sóng lớn tại biển Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh
Lúc 7 giờ 50 sáng ngày 15-11, tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) gió bắt đầu thổi mạnh, rít từng cơn kèm theo mưa lớn. Tại một số khu vực ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh đã bị cắt điện.
Trong tối ngày 14-11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 13 tại tỉnh Quảng Trị.
Đoàn đã đến kiểm tra công tác di dời người dân tránh bão tại thôn Bích Giang (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ). Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã thăm hỏi và động viên người dân, tuân thủ yêu cầu của chính quyền về phòng, tránh bão số 13 để đảm bảo an toàn tính mạng, bởi đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, nguy cơ cao hứng chịu cả gió bão giật mạnh và lũ lụt.
Đoàn cũng đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng biển Cửa Việt. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu lực lượng chức năng phải kiên quyết không cho tàu neo đậu ngoài cửa biển, không cho người ở lại trên tàu để tránh sự cố.