Quảng Bình: Lễ giỗ 324 năm Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà

Ngày 24-6, tại thôn Đại Phúc (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã diễn ra lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) lần thứ 324 (1700-2024).

Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà được tổ chức bởi hậu duệ, dòng họ, chính quyền địa phương các cấp. Ông Nguyễn Hữu Thắng, hậu duệ đời thứ 11 của Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, hàng năm vào ngày 19-5 Âm lịch tại quê nhà của cụ, gia đình và họ tộc đều làm giỗ tri ân, ghi nhớ công lao người đã khai khẩn phương Nam.

1000029775.jpg
Lễ giỗ lần thứ 324 Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là nhân vật có công khai phá bờ cõi phương Nam, xác lập chủ quyền ở đàng trong. Ông được đánh giá là nhà lãnh đạo văn võ song toàn, một vị tướng tài ba, nhà quản lý hành chính xuất sắc. Ông đã dùng tài đức để thu phục lòng người, đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân vùng mở cõi trời phương Nam.

1000029774.jpg
Hậu duệ dựng rạp đón người dân và dòng họ đến viếng

Ông là vị công thần trung quân ái quốc, hết lòng vì nước vì dân, góp phần xác lập chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn, khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở vùng đất phương Nam.

1000029776.jpg
Đoàn viên địa phương đến dâng hương

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là danh tướng dưới ba đời chúa Nguyễn gồm chúa Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (1648-1687); chúa Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) và chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

Từ những năm tuổi trẻ, ông đã tham gia đội quân của chúa Nguyễn chiến đấu dưới trướng của cha là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật trong trận chiến 1672 bảo vệ vùng biên ải phía Bắc, tạo điều kiện cho chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam.

1000029777.jpg
Người dân địa phương đến dâng hương

Đối với việc mở mang bờ cõi của đất nước, Đức ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh giữ vai trò quan trọng trong 9 năm cuối thế kỷ XVII (1692-1760).

Riêng đối với vùng đất Nam bộ, thời gian kinh lược có 3 năm (1698-1700) nhưng 3 năm đó, ông đã có những công lao to lớn với vùng đất này như: Xây dựng hệ thống hành chính, xác lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở vùng đất Nam bộ.

Đúng như nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Trần Bạch Đằng viết: “Nguyễn Hữu Cảnh làm nốt phần việc mà lịch sử Nam tiến đã mở ra. Ông ổn định cương vực phía Nam Việt Nam đại thể như cương vực hiện thời của nước ta” .

Hiện tại, mộ của Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được an táng tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhà thờ được dựng trên nền đất xưa nơi ông sinh ra tại thôn Đại Phúc, xã Vạn Ninh.

Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh cho biết, lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh hàng năm vừa là dịp tri ân công đức người có công mở cõi, vừa giáo dục thế hệ trẻ biết đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công trạng những nhân vật có đóng góp lớn cho đất nước.

"Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được triều Nguyễn phong là danh thần là Thượng Đẳng Thần từ khi qua đời đến nay và được nhân dân khắp nơi ghi nhớ công lao. Điều đó, người dân bao thế hệ ở xã Vạn Ninh đều nhớ mãi", ông Thế bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục