Khu vực rừng phòng hộ Quảng Ninh bị phá thuộc địa bàn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tại khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, thuộc địa phận tiểu khu 554 rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, chỉ một khoảnh nhỏ đã có ít nhất 5 cây gỗ dầu rái, trám hồng, sú… với đường kính hơn 1m bị lâm tặc cắt xẻ. Lâm tặc hạ từng cây gỗ xuống, cưa xẻ thành phẩm, rồi tẩu tán khỏi địa bàn. Hiện trường còn lại trơ những gốc cây và nhiều tấm ván gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Cách đó chừng 5 giờ đi bộ, hàng loạt cây gỗ táu bị đốn hạ với nhiều cây có đường kính lên đến gần cả mét bị quật xuống khiến một góc rừng trở nên tan hoang, xơ xác.
Theo người dẫn đường, rừng bị phá là do lâm tặc nghiên cứu kỹ về lực lượng chức năng tuần tra, ẩn nấp trong rừng, chờ lúc hoàng hôn, ít người ra vào, tiến hành hạ cây gỗ lớn, sau đó gùi ra khỏi rừng theo lối mòn trên đá tai mèo.
Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho hay, lâm tặc phá gỗ rừng thuộc tiểu khu 554 với 5 tọa độ, nhiều cây gỗ táu, dạ ran, gỗ xoay bị đốn hạ, đa phần đã bị lâm tặc tẩu tán khỏi rừng.
Theo ông Nhì, chủ rừng là BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, UBND xã Trường Sơn đã có báo cáo gửi cấp trên để có phương án chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng. Cùng đó lưu tâm đến các tiểu khu 562, 383 và các tiểu khu lân cận có nguy cơ bị xâm hại, đây là những tiểu khu rừng giàu.
Làm việc với PV Báo SGGP, ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh tỏ ra ngạc nhiên với các vụ phá rừng trong địa phận rừng do Ban làm chủ. Ông Cừ phân bua do lực lượng mỏng nên khó quán xuyến được rừng. 6 tháng đầu năm đã phát hiện 9 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn rừng phòng hộ, chỉ thu giữ 3,9m3 gỗ các loại.
Tại hiện trường các vụ phá rừng, mỗi cây gỗ bị đốn hạ đều xóa đi một gốc rừng, nhiều cây có đường kính hơn 1m, có cây có đường kính lớn hơn, rừng đã mất đi hàng chục mét khối gỗ nhưng ông Cừ không hề báo cáo với UBND huyện Quảng Ninh để có phương án xử lý việc lâm tặc.