Theo đó, 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ có hơn 800 người Rục sinh sống trong rừng sâu. Mỗi năm, lũ vây hơn 3 tháng ở Hung Trâu dài hơn 1km và ngầm Pa Nun khoảng 200m, khiến mọi hoạt động dân sinh, đi lại, học tập... đều bị ảnh hưởng.
Vừa qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng đồn biên phòng Cà Xèng đứng chân trên địa bàn đã vận động xây dựng cầu vượt lũ ở ngầm Pa Nun, đầu bản Ón.
Vừa qua, 3 trận lũ đã diễn ra, cây cầu phát huy tốt việc vượt lũ, cứu hộ cứu nạn, tạo thuận lợi trong việc phòng chống dịch Covid-19, phục vụ người dân đi lại, nhất là đi chữa bệnh.
Từ thực tế này, Huyện ủy Minh Hóa nhận thấy ở Hung Trâu áp dụng mô hình cầu vượt lũ Pa Nun sẽ giải được bài toán vượt lũ đối với người Rục.
Theo ông Tuấn, đoàn công tác cùng các chuyên gia xây dựng đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng tại Hung Trâu để lên phương án xây cầu. Cầu vượt lũ này sẽ có chiều dài 1,5km, dự toán đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Các trụ cầu dựa vào mố đá vôi, đi men theo các triền núi, không nổ mìn, công trình thực hiện phù hợp với điều kiện cảnh quan tự nhiên.
Công trình sẽ phục vụ dân sinh, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia và sẽ là cú hích cho phát triển du lịch bản địa đối với người Rục. Theo các chuyên gia, cây cầu này đủ cho 2 xe máy tránh nhau, khu vực Hung Trâu thường xuyên lũ lụt nhưng không bị sạt lở, nên tính khả thi cao.
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết, sau khảo sát sẽ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nhằm thực hiện ước mơ của người Rục, để vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa cứu hộ cứu nạn, vừa phát triển kinh tế.
Đây là phương án khả thi, vừa giải bài toán thoát lũ, vừa tiết kiệm ngân sách hơn phương án nổ mìn thoát lũ gây bức hại cảnh quan tự nhiên hoặc phương án xây cầu bê tông xuyên Hung Trâu ngốn nhiều chi phí.