Ông Vũ Đại Thắng yêu cầu, để bảo đảm công tác cứu trợ hiệu quả, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, dồn tất cả nguồn lực của tỉnh để tập trung cứu hộ cứu nạn.
Nhằm giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, tỉnh Quảng Bình trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ khẩn cấp 1 gia đình bị ngập lũ 1 triệu đồng với khoảng hơn 100.000 hộ trong toàn tỉnh, tổng số tiền hỗ trợ là 100 tỷ đồng. Việc phân bổ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng, các hiện tượng trục lợi phải xử lý nghiêm khắc.
UBND tỉnh Quảng Bình tập trung khắc phục hệ thống giao thông bị hư hỏng, nhất là các tuyến huyết mạch, nhanh chóng nối lại giao thông trong nội bộ tỉnh và kết nối với các địa phương.
Với công công tác cứu trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, tỉnh ghi nhận tấm lòng sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, quá trình thực hiện cần xây dựng các phương án, kịch bản tiếp đón, phân bổ nguồn cứu trợ để tăng hiệu quả cứu trợ.
Trước nguy cơ bão số 8, cần xây dựng kịch bản ứng phó, đặc biệt lưu ý việc rà soát, di dời dân đến nơi an toàn, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là về tính mạng người dân. Sau mưa lũ cần tập trung bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, xử lý các vấn đề vệ sinh môi trường để bảo đảm khôi phục nhanh các hoạt động, ngăn ngừa dịch bệnh sau mưa lũ.
Về phân phối lương thực trong những ngày qua, ông Vũ Đại Thắng cho biết, chính quyền đã cố gắng xây dựng một kênh phân phối lượng thực tới từng hộ gia đình. Theo ông Thắng, ngày 19-10, kênh này đã phân phối được lương thực, thực phẩm, nước uống tới 60% hộ gia đình vùng lũ. Đến ngày 21-10, kênh đã tiếp cận phân phối được tới 100% hộ gia đình.
Theo ông Thắng, kênh phân phối được tỉnh Quảng Bình xây dựng dựa vào hệ thống tàu thuyền, ca nô. Tỉnh cũng huy động ngư dân vùng biển mang thuyền đánh cá vào vùng lũ để hỗ trợ chính quyền. Ông nhấn mạnh việc hỗ trợ của bà con vùng biển rất hiệu quả và gửi lời cảm ơn bà con vùng biển, không chỉ sẵn sàng mang tàu thuyền hỗ trợ mà còn kèm theo hàng hóa, đồ cứu viện tới vùng lũ.
Hiện nay, khó khăn của kênh phân phối là tiếp cận một số vùng ngập sâu. Do đó, kênh phải dựa vào lực lượng an ninh quốc phòng, còn lực lượng cứu hộ không tiếp cận được. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng gửi lời cảm ơn đến nhân dân cả nước, ủng hộ, lương thực, thực phẩm cho người dân Quảng Bình trong thời gian qua và thời gian tới.
Trong một diễn biến khác tại vùng lũ, nhiều nơi lũ rút, người dân bằng nhiều cách trở về nhà để dọn dẹp bùn đất. Bà Nguyễn Thị Thào (75 tuổi, thôn hàm Hòa, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết: “Lũ chạm nóc đã cướp sạch mọi thứ, nay dọn dẹp lại cái gì dùng được thì tận dụng. Cái gì không còn thì chịu. Bão số 8 đang báo nguy cơ là rất sợ. Phải chạy lên xã mà trú”.
Ở những vùng còn ngập trũng như xã Tân Ninh, người dân rời chỗ trú lũ là trụ sở UBND xã đưa người già, trẻ em về nhà trên nước lũ bằng đò.
Anh Lê Văn Bảo ở thôn Thế Lộc cho biết: “Đưa người thân về nhà để còn lo dọn lũ, nước rút dần, ở lại trên xã vừa lo 2 nơi thì mệt không chi thấu. Lũ thiệt hại nặng quá”.
UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa về vùng lũ ở 8 huyện thị, thành phố khối lượng hàng hóa bao gồm: 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy 7,7 tấn lương khô, 13.500 thùng mì tôm, 3.000 thùng sữa, 5 tấn sữa đóng bịch, 2.280 thùng nước uống đóng chai, 210 phần quà để khẩn cấp cứu trợ người dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Cùng với sự chủ động của chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay công tác cứu trợ trên địa bàn Quảng Ninh, Lệ Thủy cơ bản đã hoàn thành.
Đối với địa bàn huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn, cơ bản chính quyền địa phương và nhân dân đã chủ động hoàn toàn việc dự trữ lương thực. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với các địa phương hiện UBND tỉnh đã tập kết 1.552 thùng lương khô, 10.500 thùng mì tôm, 5.700 thùng nước uống đóng chai để ngay ngày mai cứu trợ người dân ở các địa phương này. Ngoài chính quyền địa phương, còn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia ủng hộ, cứu trợ.
Tình trạng giao thông đi lại, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Quảng Bình cho biết, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại các điểm Km16+500, Km17 (gần Động Thiên Đường, Bố Trạch) đang ngập 0,5m. Các vị trí đứt đường do xói lở ta luy âm tại Km81+00; Km166+300; Km189+300. Sạt lở ta luy dương ở nhiều vị trí, đơn vị quản lý chưa xác định được.
Quốc lộ 12A thông tuyến đoạn từ Km0 - Km78 (Ba Đồn - Pheo); riêng đoạn Khe Ve - Cha Lo ách tắc hoàn toàn do đoạn Km136+950-Km137+250 toàn bộ nền đường lún sụt, đứt đường hoàn toàn. Sở GTVT Quảng Bình đang tập trung nhân lực, thiết bị để thi công thông tuyến.
Quốc lộ 15 hiện tại còn lại ngầm Bùng tại Km Km562+200 đang ngập nước 1,0m. Các đoạn tuyến còn lại đã được thông tuyến.
Quốc lộ 9B đã thông tuyến 1 vệt từ Km0 - Km52 (nhánh Đông - nhánh Tây đường Hồ Chí Minh); riêng đoạn từ Km52-Km83 (Đường Hồ Chí Minh Tây - Chút Mút) rất nhiều điểm sụt trượt mái ta luy dương, xói trôi nền đường, hiện đã thông tuyến đến Km58; đơn vị quản lý đang tiếp tục thi công để thông tuyến.
Quốc lộ 9C nước đã rút, thông tuyến từ Km0-Km33+800. Riêng đoạn từ Km38 – Km39 đơn vị đang tiếp tục xử lý sụt trượt để thông xe.
Quốc lộ 9E đã thông tuyến đến Km25+700; riêng đoạn từ Km25+700 đến nhánh Tây (Km30) đang nhiều điểm sụt trượt khối lượng lớn và 1 điểm bị xói trôi đứt đường khoảng 25m; Hiện đang tiếp tục thi công để thông tuyến.
Lũ lụt đã làm cho 11 người chết, trong đó huyện Lệ Thủy 2 người (Hoàng Minh Quân sinh năm 2013 và Hoàng Minh Quý sinh năm 2019 ở thôn 3 Thanh Tân, xã Thanh Thủy) di chuyển tránh lũ bị lật thuyền đuối nước.
Huyện Quảng Ninh, 4 người (Nguyễn Văn Song sinh năm 1977 ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh chết do đuối nước; Trần Văn Minh, sinh năm 1982, trú tại thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, do dọn đồ tránh lũ, trượt chân ngã; Phạm Xuân Hồng sinh năm 1934, trú tại thôn Phú Ninh xã Duy Ninh chết do đuối nước; Trần Văn Minh sinh năm 1982 trú tại thôn Cổ Hiền xã Duy Ninh chết do đuối nước).
Huyện Tuyên Hóa 1 người (Lê Thị Thú sinh năm 1939 ở thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa dọn lũ bị trượt cầu thang ngã xuống nước chết ngạt). TP Đồng Hới 1 người (Hoàng Tấn Hồng sinh năm 1982 ở phường Bắc Lý do đi thả lưới bị nước cuốn trôi). Huyện Minh Hóa 1 người (Đinh Minh Tú, sinh năm 2013 ở thôn Cổ Liêm xã Tân Hóa, bị rơi nhà bè chết đuối). Thị xã Ba Đồn 2 người tại (Hoàng Văn Tính, 58 tuổi ở thôn Nam Minh Lê, xã Quảng Minh, đi cứu tài sản bị đuối nước; Nguyễn Thị Khâm sinh năm 1946, trú tại thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc: dọn dẹp vệ sinh sau lụt).
Số người bị thương sau lũ tăng vọt, 88 người, trong đó huyện Tuyên Hóa 31 người, huyện Minh Hóa 3 người, huyện Bố Trạch: 17, TP Đồng Hới 1 người (Trần Trọng Kiên, sinh năm 1979 ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, bị gãy tay lúc phòng chống lũ); huyện Lệ Thủy 4 người; thị xã Ba Đồn: 26 người; huyện Quảng Ninh 6 người, nguyên nhân số người bị thương tăng liên tục là do sửa lại nhà sau lũ, trượt chận ngã bị thương.