Quảng Bình - Hà Tĩnh: Bàn cách cùng khai thác di tích đang tranh chấp Hoành Sơn Quan

Ngày 6-8, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình và Hà Tĩnh sẽ cùng nhau ngồi lại, bàn cách cùng khai thác di tích tranh chấp giữa 2 địa phương là Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang.

UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo các Sở ban ngành liên quan lên lịch họp bàn với các đơn vị tỉnh Hà Tĩnh để triển khai cụ thể từng việc.

1000057565.jpg
Hoành Sơn Quan từ hơn 100 năm trước. Ảnh: Tư Liệu

Trước động thái này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 4292/UBND-VX3, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4241/UBND- TH3 và tình hình thực tiễn của tỉnh, làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Bình để thống nhất các nội dung ký kết hợp tác và quan điểm liên quan đến lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích cấp quốc gia đối với Hoành Sơn Quan (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

1000057563.jpg
Người dân qua lại trên con đường thiên lý gần Hoành Sơn Quan hơn 100 năm trước. Ảnh: Tư Liệu

Năm 1833, vua Minh Mạng đã cho thiết lập ải ở Hoành Sơn, được gọi Hoành Sơn Quan, thuộc địa phận xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại.

1000057560.jpg
Hoành Sơn Quan hơn 100 năm trước. Ảnh: Tư Liệu

Tháng 8-2002, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn Quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đến tháng 3-2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau đó cả 2 tỉnh đều đề nghị Bộ VH-TT-DL xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do tranh chấp.

1000057557.jpg
Hoành Sơn Quan ngày nay.

Năm 2002, Sở VH-TT-DL hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết vụ tranh chấp Hoành Sơn Quan. Tuy nhiên, phía Hà Tĩnh lại đưa ra bản đồ địa chính mới khẳng định di tích thuộc về tỉnh này. Trong khi đó phía tỉnh Quảng Bình cương quyết không đồng ý với lý do công trình được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý, như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí… đều minh định điều đó. Thời điểm trên Bộ VH-TT-DL gợi ý hai tỉnh cùng làm chung hồ sơ nhưng không địa phương nào đồng thuận.

1000057567.jpg
Ảnh: Tư Liệu

Dư luận đánh giá, lần này Quảng Bình - Hà Tĩnh cần học Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, cùng nhau đề xuất Hải Vân Quan là Di tích cấp quốc gia, cùng nhau đầu tư ngân sách trùng tu và mở cửa đón du khách rất thành công. Nếu Quảng Bình - Hà Tĩnh thống nhất cùng đề xuất Bộ VH-TT-DL công nhận Hoành Sơn Quan là di tích cấp quốc gia, cùng nhau trùng tu, phục dựng nhà chờ lính canh, làm bảo tàng Hoành Sơn Quan, sẽ là điểm đến cho khách du lịch hành hương về Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình.

Tin cùng chuyên mục