Qua 2 năm thực hiện Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (Quy định 01) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, địa phương đã xử lý, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác 77 trường hợp. Trong đó, 14 trường hợp cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 18 trường hợp huyện quản lý và 45 trường hợp cấp cơ sở.
Hàng ngàn cấp trưởng, cấp phó ký cam kết
Trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Xuân Vinh, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác nhận rõ việc nâng cao phẩm chất, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có tầm quan trọng chiến lược. Song song đó là chủ trương đổi mới công tác cán bộ rất cấp thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của từng vị trí. Từ thực tiễn đó, ngày 3-3-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 01. “Có 1.149 trường hợp là người đứng đầu và 1.897 trường hợp là cấp phó của người đứng đầu ký cam kết theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có nhiều cơ quan, đơn vị ban hành quy định hoặc kế hoạch và tổ chức ký cam kết đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình”, ông Trần Xuân Vinh nói.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang thì khẳng định: “Quy định số 01 tạo chuyển biến tích cực, đổi mới trong công tác cán bộ; đồng thời ràng buộc, nêu cao trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đây cũng thể hiện sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, từng bước rà soát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ”.
Củng cố niềm tin
Trên thực tế, Quy định 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình rất chi tiết trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật. Cùng với đó cũng nêu những hành vi trì trệ của cơ quan, sai phạm của người thân người đứng đầu cùng cấp phó để xem xét trách nhiệm. Hàng năm đều phải ràng buộc ký cam kết lấy phiếu tín nhiệm nhằm tránh đổ lỗi cho tập thể khi xảy ra yếu kém trong điều hành hoặc sai phạm.
Ông Trần Xuân Vinh cho biết: “Sau hơn 2 năm thực hiện Quy định 01, đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trên quê hương Hai Giỏi”. Hiện Quảng Bình đã đẩy mạnh tinh giản biên chế, thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch của 5 xã. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy các phòng ban theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả như mô hình văn phòng phục vụ chung khối mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện; nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; triển khai chủ trương thí điểm nhất thể hóa một số chức danh ở cấp huyện, như: trưởng ban tổ chức huyện ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ huyện, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện, chủ tịch ủy ban mặt trận đồng thời là trưởng ban dân vận huyện ủy; chuẩn bị triển khai thành lập văn phòng chung giúp việc ở cấp xã…
Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương trong tốp đầu cả nước hoàn thành bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ dự nguồn cấp ủy các cấp từ tỉnh về xã với 319 cán bộ. Đây cũng là địa phương thực hiện quy trình bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) như thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo; dừng hoạt động chi bộ cơ quan xã, chuyển đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú.
Tỉnh đã tạo được điểm sáng về nêu gương và xử lý cán bộ, tạo ra động lực làm việc ở từng vị trí công việc. Ông Hoàng Đăng Quang khẳng định: “Về công tác cán bộ phải lấy lời dạy của Bác Hồ quán triệt sâu sắc, phải sử dụng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường sở đoản để cán bộ yên tâm công tác. Phải quyết liệt ngăn chặn đẩy lùi biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ như tệ bè phái, cục bộ, hẹp hòi, kèn cựa, mất đoàn kết… Hướng tới mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, tạo nguồn cán bộ kế cận để chuyển giao công việc giữa các thế hệ. Cụ thể hóa tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ thủ tục, quy trình cán bộ nhằm để người xứng đáng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, loại trừ người không xứng đáng, không đảm bảo tiêu chuẩn khỏi bộ máy, tránh tuyệt đối chạy chức chạy quyền”.