Theo đó, điện lưới quốc gia sẽ được kéo lên 5 bản trung tâm của 2 xã này với tổng kinh phí 110 tỷ đồng. Tuyến đường điện bám tỉnh lộ 20 từ km16 đến km61, đi qua lâm phận di sản Phong Nha-Kẻ Bàng hơn 28km. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, trước mắt dự án phục vụ 5 bản trung tâm của 2 xã, nếu phục vụ 20 bản với 6.600 người dân, phải tiêu tốn thêm 50 tỷ đồng, điện lưới quốc gia mới phủ được các bản biên giới vùng sâu vùng xa nơi đây.
Tân Trạch và Thượng Trạch vừa được đầu tư hệ thống điện mặt trời trong gói trị giá 14 triệu USD cùng với một số xã miền núi khác của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 2012, dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai qua Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án có tổng vốn 12 triệu USD, Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD. Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công.
Xuất phát từ quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), trực thuộc UBND tỉnh. Dự án được tư vấn bởi đơn vị Dohwa và nhà thầu KT Corpotation của Hàn Quốc trúng thầu xây dựng. Đến cuối năm 2019, dự án được đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, hệ thống điện triệu đô này vừa dùng được 2 tháng thì đã hỏng. Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, sau 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống điện mặt trời từ dự án triệu đô xuống cấp rõ rệt, nhất là hệ thống bình ắc quy. Có 200 bình ắc quy thì đã hỏng 100 bình.
Cho đến nay, công trình 14 triệu USD này đã được bàn giao sử dụng nhưng do hư hỏng quá nhiều nên chưa có văn bản quyết toán, nghiệm thu.
Câu hỏi đặt ra, công trình điện mặt trời ở Tân Trạch, Thượng Trạch đang hỏng hóc lại kéo điện lưới quốc gia về, dự án chồng dự án có gây lãng phí?