Ngày 30-9, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận và “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022 nhằm chủ động kết nối, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của địa phương tới doanh nghiệp, khách du lịch Thủ đô Hà Nội - trung tâm phân phối khách hàng đầu của cả nước.
Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái, có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam.
Nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc trình diễn kỹ thuật làm gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á Nơi đây cũng là cái nôi của nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm, cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các tháp Chăm cổ kính như: Tháp Pô Klông Garai, Tháp Pô Rômê, Tháp Hòa Lai hầu như còn nguyên vẹn; lễ hội Katê độc đáo; dệt thổ cẩm thủ công Mỹ nghiệp, làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam…
Vì vậy, những năm gần đây, du lịch Ninh Thuận đã và đang phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.
“Nhằm phát triển du lịch theo hướng toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tỉnh Ninh Thuận đã có những định hướng phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững”, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch được ký kết
Đánh giá cao những nỗ lực chủ động xúc tiến du lịch của Ninh Thuận, tại hội nghị, tuy nhiên ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) thẳng thắn nhận định du lịch Ninh Thuận đã có những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều dư địa để địa phương có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.
Do đó, lãnh đạo TCDL cũng đưa ra một số đề xuất nhằm tạo sức bật cho du lịch Ninh Thuận, trong đó lưu ý việc ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19 như: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe....
Biển là một trong những thế mạnh của du lịch Ninh Thuận Bên cạnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, ngày hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn nghệ thuật múa, hát; giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống; hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Thuận.
Có 51 gian hàng trưng bày, giới thiệu về những sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch và ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận cũng đã đến với du khách Thủ đô.
MAI AN