Chiều 1-7, tại TP Vinh (Nghệ An) khai mạc “Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và vùng Bắc Trung bộ mở rộng năm 2022”, với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến”.
Tham dự diễn đàn có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch; ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp …
Diễn đàn nằm trong chuỗi liên kết vùng do UBND TPHCM đề xuất, nhằm kết nối du lịch giữa Vùng du lịch Bắc Trung bộ với TP Hà Nội và TPHCM, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng các đại biểu tham quan một gian hàng đặc sản tại Nghệ An chiều 1-7 Đây cũng là chương trình liên kết phát triển du lịch thứ sáu của TPHCM sau liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và gần đây nhất là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Liên kết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong làn sóng phục hồi du lịch sau gần 2 năm bị đứt gãy do những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh, TPHCM luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam. Nửa năm 2022, TPHCM đón khoảng 10 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu gần 50 ngàn tỷ đồng. Liên kết này được kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TPHCM và vùng Bắc Trung bộ mở rộng trong thời gian tới.
Đoàn khách TPHCM tham quan địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) Để du lịch phát triển mạnh và hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đề nghị 4 mục tiêu, gồm ngay sau khi ký kết, các địa phương cần quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch. Các địa phương chủ động kết nối để doanh nghiệp tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng. Sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả. Thêm nữa, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng địa phương. Trong đó, TPHCM cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; đồng thời TPHCM trân trọng mời các tỉnh thành tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE) năm 2022 được tổ chức vào tháng 9 tới đây.
Du khách tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, du lịch là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế. Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Thiên nhiên ưu đãi cho Nghệ An cảnh sắc tươi đẹp, với bờ biển dài 82km, nhiều bãi biển đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, Cửa Hiền; nhiều hang động, thác nước nên thơ và hùng vĩ như: Hang Bua, thác Khe Kèm, thác Sao Va; có khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ở miền Tây Nghệ An…
“Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; tiếp tục hình thành nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và hấp dẫn; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước, góp phần mở rộng thị trường, trao đổi khách, gia tăng các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, từng bước định vị du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch vùng Bắc Trung bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định.
THI HỒNG