Hội nghị dành cho đối tượng là các đại biểu đến từ các sở, ngành thuộc 4 địa phương thực hiện thí điểm: TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; cùng các đại biểu 28 Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào.
Đây là Hội nghị lần thứ hai Bộ TT-TT tổ chức. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức thành công tại tỉnh Quảng Ninh, với sự tham dự của 110 đại biểu đến từ 15 sở, ngành của 4 địa phương thí điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thừa Thiên - Huế) và 27 Sở TT-TT các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Hội nghị được các đại biểu, báo chí đánh giá tốt, mang lại nhiều thông tin và cách làm mới, bổ ích và ý nghĩa đối với người tham dự.
Hội nghị lần này tập trung vào việc hướng dẫn làm thế nào giúp các địa phương triển khai truyền thông quảng bá theo cách làm mới, truyền thông về những gì thế giới muốn biết về Việt Nam, tương đồng với các tiêu chí do các tổ chức quốc tế xếp hạng dựa trên một Khung yếu tố chung gồm 22 yếu tố. Qua đó, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài một cách nhất quán, đồng bộ và thống nhất, tránh “mạnh ai nấy làm”.
Do cách làm mới, nên Bộ TT-TT tập trung tập huấn thí điểm đối với 8 địa phương gồm TP Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thừa Thiên-Huế; TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những địa phương có cơ sở kinh tế, văn hóa đa dạng, có nhiều tiềm năng và sẵn sàng tham gia thực hiện thí điểm. Hằng năm, Bộ TT-TT sẽ tổng hợp, đánh giá việc thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó, sẽ đề xuất bổ sung thêm các địa phương có cùng tiêu chí và sẵn sàng triển khai. Sau giai đoạn thí điểm (đến năm 2025) sẽ triển khai đồng bộ trong cả nước.
Việc tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia trên bảng xếp hạng toàn cầu sẽ mang lại các giá trị cho Việt Nam, điều này đã minh chứng ở các quốc gia gần chúng ta là Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và xa hơn nữa là đất nước Peru… Chẳng hạn, sau 5 năm (2012-2017), Chính phủ Trung Quốc đã rất quyết liệt xây dựng và truyền thông hình ảnh đất nước, đến năm 2017, giá trị hình ảnh quốc gia đã tăng 44%, trước đó, Trung Quốc không có doanh nghiệp nào lọt vào nhóm 500 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu nhưng đến năm 2017, con số này đã tăng lên 50. Sau khi tăng xếp hạng hình ảnh trên Bảng xếp hạng của Future Brand (một tổ chức độc lập đánh giá về hình ảnh các quốc gia trên toàn cầu), dòng vốn FDI tiếp tục tăng trong giai đoạn 2017-2018, từ 136 lên 139 tỷ USD (tăng 2,2%); hơn 60.000 công ty nước ngoài được thành lập, lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc tăng 10,6% (2015-2018)…
Theo ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (TTĐN) - Bộ TT-TT, mục tiêu của nước ta đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cục TTĐN trở thành một cơ quan trung tâm chủ trì, điều phối công tác và hoạt động TTĐN, một đơn vị quan trọng đóng góp vào sự phát triển của ngành TT-TT và sự phát triển đất nước. Mục tiêu nổi bật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển TTĐN sâu - rộng và gắn liền với các nhiệm vụ lớn của đất nước hướng đến cường quốc, thịnh vượng và nhân văn. Ông Đoàn Công Huynh nhấn mạnh sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa thông tin quốc nội đối ngoại và thông tin quốc tế đối nội nhằm tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV Academy, chuyên gia giàu kinh nghiệm quốc tế về thương hiệu, truyền thông quảng bá trao đổi với các đại biểu các hoạt động cụ thể về quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới theo đề án đã được Bộ TT-TT phê duyệt, trong đó, tập trung trao đổi nội dung chính là khung truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Các đại biểu thống nhất việc định giá và xếp hạng hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam tăng sẽ mang lại các giá trị tích cực cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, tăng khách du lịch, thúc đẩy tạo công ăn việc làm trong nước…
Phát biểu khai mạc, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, công tác thông tin đối ngoại có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang cần thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, tăng lượng khách du lịch, tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam ra toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp và có hướng đi mới đồng bộ, toàn diện, lan toả cho công tác thông tin đối ngoại. Theo ông Lê Ngọc Khánh, là một trong các tỉnh thành trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của đất nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm công tác thông tin đối ngoại, tỉnh đã ban hành Nghị quyết và Đề án về công tác truyền thông về tỉnh; đồng thời lựa chọn chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh là một trong ba khâu đột phá cho nhiệm kỳ 2020-2025; xác định trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và cán bộ, công chức trong quá trình hoạt động cùng tham gia tuyên truyền, xây dựng hình ảnh về tỉnh, quảng bá hình ảnh về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và về đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong và ngoài nước. |