Quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật

Hôm nay 21-10, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp dự kiến sẽ xử lý một khối lượng công việc kỷ lục, trong đó có tới 32 nhóm nội dung thuộc công tác xây dựng pháp luật. Để có thể hoàn thành tốt chương trình nghị sự, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh việc quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật.

U7a.jpg

PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết về việc chuẩn bị mảng công tác lập pháp, được dự kiến là có khối lượng rất lớn, tại kỳ họp lần này?

Ông HOÀNG MINH HIẾU: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội dự kiến giải quyết khối lượng công việc không chỉ lớn nhất trong nhiệm kỳ này mà cả trong lịch sử gần 80 năm hoạt động của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (năm 2001-2007), giai đoạn đẩy mạnh công tác lập pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì số lượng văn bản được xem xét, thông qua và cho ý kiến tại mỗi kỳ họp Quốc hội cũng không lớn như vậy.

Để giải quyết khối lượng công việc rất lớn này, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã và đang rất tích cực phối hợp, thực hiện các công tác chuẩn bị theo đúng trình tự, thủ tục do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan quy định.

Trong đó, về cơ bản, tất cả các dự thảo luật, nghị quyết đã được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra hoặc tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội; trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và được xác định đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đặc biệt, trong quá trình đó, UBTVQH cũng tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách từ rất sớm để thảo luận về một số dự án luật sẽ được thông qua. Trong đó, điểm mới là hội nghị không chỉ thảo luận về các dự án luật được trình theo quy trình 2 kỳ họp mà cả những dự thảo luật được trình theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp. Điều đó đã phát huy được sự tham gia của các đại biểu Quốc hội chuyên trách vào những dự thảo luật này, góp phần hoàn thiện thêm nội dung của dự thảo.

Với quá trình chuẩn bị như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Quốc hội, đến nay số lượng tài liệu về các dự thảo luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 8 đã được gửi đến cá nhân các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp là tương đối lớn, kịp thời để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận; hạn chế được một phần tình trạng gửi tài liệu chậm, muộn.

  • Tại nhiều phiên họp của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật. Xin ông cho biết tinh thần đó đã được quán triệt như thế nào trong quá trình thẩm tra các luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội?

Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 lần này, các cơ quan của Quốc hội đã quán triệt, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về định hướng đổi mới trong xây dựng pháp luật. Đó là nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chất lượng trong công tác lập pháp; xác định rõ những nội dung nào được quy định trong luật, nội dung nào được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành; không luật hóa những nội dung thuộc phạm vi quy định của nghị định, thông tư… Điều này bảo đảm các nội dung của dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành đúng thẩm quyền của Quốc hội đã được Hiến pháp và luật định; thể hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; bảo đảm tính ổn định lâu dài của các đạo luật, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong việc sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc phạm vi quy định của văn bản dưới luật.

  • Tại kỳ họp lần này, kỹ thuật lập pháp “dùng 1 luật sửa nhiều luật” được áp dụng đối với một số dự án luật rất quan trọng về kinh tế. Ông có bình luận gì về ưu/nhược điểm của cách làm này?

Dự kiến trong kỳ họp này Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật theo phương thức “dùng 1 luật sửa nhiều luật” là: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; và (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu. Mục tiêu để khắc phục, những điểm tồn tại, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Việc “dùng 1 luật sửa nhiều luật” là một kỹ thuật được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết ở Quốc hội nước ta cũng như ở Quốc hội nhiều nước khác để sửa đổi, bổ sung những quy định trong một số văn bản luật có liên quan chặt chẽ với nhau nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề nhất định, đòi hỏi phải được ban hành kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Phương pháp này có ưu điểm là giúp tăng cường hiệu quả lập pháp qua việc giải quyết nhiều vấn đề chính sách cùng một lúc, giúp tiết kiệm thời gian. Đồng thời, việc đó cũng giúp cơ quan lập pháp có thể xem xét bao quát các chính sách có liên quan đến nhau để từ đó giải quyết vấn đề chính sách được toàn diện hơn, giúp đảm bảo tính nhất quán và thống nhất giữa các quy định pháp luật có liên quan, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.

Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng kỹ thuật lập pháp này là sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá tác động; có thể dẫn đến thiếu sót khi xem xét các sửa đổi, bổ sung; làm giảm tính chuyên sâu trong quá trình thảo luận, dẫn đến việc bỏ sót các vấn đề quan trọng hoặc quy định không đủ rõ ràng.

Bên cạnh đó, “dùng 1 luật sửa nhiều luật” cũng có thể dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu văn bản, ảnh hưởng đến việc người dân tiếp cận và áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, phương pháp này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế. Ở nước ta, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể về điều kiện áp dụng phương pháp “dùng 1 luật sửa nhiều luật”. Trong quá trình áp dụng phương pháp này tại một số kỳ họp trước đây cũng đã có một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn. Do vậy, việc xem xét, thông qua các dự án luật này đòi hỏi sự xem xét thận trọng, cẩn thận, đánh giá nhiều mặt của các vấn đề có liên quan để có thể có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp nhất.

  • Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông đặc biệt quan tâm đến những vấn đề gì sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này?

Trong kỳ họp này có rất nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua. Ngoài các nội dung về lập pháp, Quốc hội còn quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam; quyết định về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa; quyết định về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương…

Tất cả những vấn đề đó đều liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động của Quốc hội vẫn là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong kỳ họp này, cá nhân tôi quan tâm nhiều đến các dự thảo luật, nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế. Đây là nội dung chiếm tỷ lệ lớn trong 32 nội dung lập pháp tại kỳ họp này, trong đó có những đạo luật quan trọng, rất được cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm, chờ đợi.

Tin cùng chuyên mục