Là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố chương trình chuyển đổi số theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 30-7-2020, TPHCM cũng là nơi đầu tiên ban hành chiến lược dữ liệu - chìa khóa để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số…
Để thành phố tiếp tục là “cái nôi” của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các tổ chức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế số thì chiến lược dữ liệu từ các chương trình, đề án đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, công nghệ tài chính phải được tạo lập đồng bộ, tổng thể và có cách tiếp cận đột phá, sát với “thị trường” hơn trong thời gian tới. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong phát biểu tại hội nghị nêu trên đã nhấn mạnh: “Có chiến lược tốt là thành công nhưng tổ chức thực hiện để chiến lược đó đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số thì đó mới là kết quả cụ thể để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Ngay sau đó, đồng chí đã đặt hàng Sở TT-TT và Sở Nội vụ phối hợp trong 6 tháng đầu năm nghiên cứu tham mưu việc thành lập Trung tâm chuyển đổi số để tham mưu cho UBND TPHCM kết nối sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức tham gia thống nhất các hoạt động trong triển khai công việc về chuyển đổi số.
Trước đó, trong năm 2021, UBND TPHCM cũng đã giao Sở KH-CN và Sở TT-TT cùng với Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) tại khu vực trung tâm thành phố; tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung tâm chuyển đổi số tầm thành phố lần này định hướng theo mô hình GovTech (Government - Technology: Chính phủ và Công nghệ) tập trung thực hiện số hóa các cơ quan nhà nước thông qua việc áp dụng các thành tựu công nghệ và giải pháp công nghệ mới nhằm hiện đại hóa khu vực công, thúc đẩy mục tiêu xây dựng một chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch.
Để chuẩn bị cho trung tâm chuyển đổi số này, TPHCM đã có bước “chạy đà” chuẩn bị. Năm 2022, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2701/KH-UBND về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại thành phố. Cùng với đó là ra mắt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Mục tiêu của năm 2023, thành phố đặt ra phải hoàn thành và đưa vào triển khai 5 nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, đã được Sở TT-TT đề xuất: hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo thời gian thực (wink); hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022; hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương - DCCI (gắn với các bộ chỉ số hiện có của Trung ương và các tổ chức đánh giá); bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan trên địa bàn thành phố; ứng dụng công dân thống nhất của thành phố tiến đến hình thành hệ thống quản trị TPHCM trên nền tảng số.
Quá trình triển khai sẽ rất nhiều việc, nhưng căn cơ và căn bản trong từng bước đi, để đi đến đâu chắc đến đó!