Ứng dụng sản phẩm Việt
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, địa phương đã đề nghị SHTP Labs hỗ trợ UBND TP Thủ Đức trong việc lắp đặt thí điểm các trạm đo mực nước tại một số vị trí trên địa bàn thành phố… Trước đó, UBND TP Thủ Đức đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB); 2 bên thống nhất “Bổ sung TP Thủ Đức vào tham gia thử nghiệm và xây dựng nền tảng báo cáo ngập lụt trực tuyến và hỗ trợ quyết định (gọi chung là nền tảng) cùng với huyện Nhà Bè và quận 12”. Để tham gia vào quá trình thử nghiệm và xây dựng nền tảng trên, WB đề nghị TP Thủ Đức triển khai việc cung cấp dữ liệu thiên văn từ hệ thống cảm biến (trạm đo mưa, trạm đo triều cường, hình ảnh từ camera…) để tích hợp vào nền tảng.
Trong khi đó, SHTP Labs và Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ cũng đang triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ có liên quan đến thiết bị và hệ thống quan trắc ngập, trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng”. Cụ thể, thiết bị quan trắc ngập đô thị là sản phẩm nghiên cứu khoa học của TPHCM do SHTP Labs nguyên cứu, sản xuất phục vụ trong công tác quan trắc, giám sát mực nước mưa và triều cường trong đô thị tại TPHCM.
Đề tài được hình thành từ văn bản đặt hàng của Trung tâm Điều hành chương trình ngập nước thành phố số 2021/TTCN-QLTN, ký ngày 24-8-2018 về việc đặt hàng thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh TPHCM”. Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs, cho biết, sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với thiết bị mua của nước ngoài. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống sẽ tự đo mực nước và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.
Làm chủ công nghệ MEMS trong nghiên cứu, chế tạo
Trước thời điểm TP Thủ Đức được thành lập, thiết bị quan trắc ngập đô thị này đã được triển khai thí điểm ở 4 địa điểm: số 531 đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9), số 37 đường Dương Văn Cam (phường Linh Tây, quận Thủ Đức), số 40B đường Quốc Hương (phường Thảo Điền, quận 2) và Trạm Thủy văn Thủ Dầu Một (phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)… Qua quá trình thí điểm, thử nghiệm đã vượt qua các bài kiểm tra kỹ thuật nên khả năng ứng dụng được đánh giá cao.
Theo ông Ngô Võ Kế Thành, SHTP Labs còn là Trung tâm R&D có đầy đủ các thiết bị để hoàn thành một quy trình chế tạo linh kiện MEMS (công nghệ lõi), bao gồm: thiết kế và mô phỏng MEMS, thiết kế MASK, chế tạo MASK, các quy trình đồng bộ từ ăn mòn khô (DRIE), quang khắc, CVD... với quy mô pilot trên wafer 4 hoặc 6inch. Cho đến thời điểm này, SHTP Labs đã có thể sẵn sàng triển khai các sản phẩm về MEMS và hệ thống cung cấp cho thị trường như: cảm biến áp suất kết hợp hệ thống đo mực nước, cảm biến khí và hệ thống quan trắc không khí. Điều này cho thấy, SHTP Labs đã làm chủ công nghệ và quy trình thiết kế, chế tạo thiết bị quan trắc môi trường theo tiêu chuẩn khí tượng thủy văn.
Cụ thể là cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, mực nước; lựa chọn đúng công nghệ và giải pháp đo mực nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung; ứng dụng công nghệ MEMS từ kết quả nghiên cứu khoa học trong nước (cụ thể ở đây là cảm biến áp suất PS50 của SHTP Labs) vào thiết bị quan trắc ngập phục vụ công tác quản lý, điều hành các chương trình ngập của thành phố.
“Với đề nghị của lãnh đạo TP Thủ Đức, chúng tôi đã bắt tay ngay các công tác chuẩn bị và chọn thời điểm ngày 23-3, cũng là ngày Tổ chức Khí tượng thế giới, để chính thức triển khai thiết bị quan trắc ngập đô thị tại TP Thủ Đức. TP Thủ Đức đã đề nghị SHTP Labs triển khai lắp đặt 80 trạm cảm biến, tuy nhiên, chúng tôi đề xuất nên lắp đặt trước 40 trạm để từ đó đánh giá hiệu quả và sẽ triển khai rộng hơn, để mang lại hiệu quả tốt nhất có thể”, ông Ngô Võ Kế Thành cho biết thêm.