
Quần thể voọc đầu trắng ở Cát Bà (Hải Phòng) là loài linh trưởng quý hiếm còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam. Gần đây, với sự phát triển du lịch của khu vực Cát Bà, quần thể linh trưởng này đang gặp nhiều nguy hiểm. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Tiến sĩ Rosi Stenke - Giám đốc dự án bảo tồn voọc đầu trắng Cát Bà.
- Phóng viên: Xin bà cho biết về, hiện trạng quần thể voọc đầu trắng ở khu dự trữ sinh quyển Cát Bà hiện nay?

- TS Rosi Stenke: Quần thể voọc đầu trắng ở Cát Bà có tổng số 63 cá thể với 7 đàn khá tách biệt nhau, trong số này, chỉ có 3 đàn là có những yếu tố đảm bảo cho việc sinh sản. Sở dĩ có điều đó là do các đàn voọc bị chia cắt, số lượng các cá thể đực thấp, vì vậy tỷ lệ sinh sản rất thấp.
- Theo bà, đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với việc sinh tồn của quần thể voọc ở Cát Bà?
- Hoạt động du lịch và quy hoạch phát triển của khu vực này đang ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của voọc. Con đường dự kiến sẽ mở để phục vụ phát triển du lịch sẽ cắt trực tiếp một số khu vực có voọc đang sinh sống. Điều này làm tăng thêm sự cô lập giữa các đàn của toàn bộ quần thể voọc trong khu vực, dẫn đến nguy cơ làm giảm dần về số lượng, bởi các đàn voọc khó tiếp xúc thường xuyên để tạo ra môi trường sinh sản được.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là các hoạt động du lịch không kiểm soát được và những mâu thuẫn đất đai giữa các xã trong Vườn Quốc gia Cát Bà. Người dân địa phương không có nhiều sự lựa chọn để có được nguồn thu nhập và điều này dẫn tới việc họ đã và đang lờ đi những quy định về bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
- Để đảm bảo sự phát triển cho đàn voọc đầu trắng nói riêng cũng như việc giữ gìn nguyên vẹn Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nói chung, theo bà, chúng ta cần làm gì?
- Cần làm rõ đối với các xã và những hộ gia đình về ranh giới của khu dự trữ sinh quyển và quy chế đối với các phân vùng khác nhau để mọi người cùng hiểu và thừa nhận ranh giới của Vườn Quốc gia Cát Bà hiện nay với những khu vực còn lại, nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn về khai thác tài nguyên du lịch cũng như thiên nhiên trên đảo Cát Bà.
Cần chú ý nhiều hơn tới các vùng biển xung quanh, bởi đang có hiện tượng khai thác quá tải nguồn tài nguyên tự nhiên nơi đây. Chính quyền phải đưa ra kế hoạch cụ thể về sử dụng đất trên đảo và chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ nhất.
Về lâu dài, cần nghiêm chỉnh thực hiện các kế hoạch quản lý của UBND TP Hải Phòng, từ đó tạo ra hướng phát triển kinh tế – xã hội ổn định và bền vững cho toàn đảo. Cần trao đổi thông tin với các khu dự trữ sinh quyển khác để học hỏi kinh nghiệm.
Mặt khác, nên khuyến khích thúc đẩy các ý tưởng bảo tồn tại khu dự trữ sinh quyển đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải sớm tìm ra hướng để kiểm soát và thực hiện các quy chế của khu dự trữ sinh quyển, nếu không, khu dự trữ sinh quyển chỉ là một cái tên và không có ý nghĩa gì!
THANH AN (thực hiện)