Mở đầu hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh là một trong những nội dung quan trọng của năm học 2021-2022 do diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo đó, các trường cần có những kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Các phòng GD-ĐT quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị trường học cần chỉ đạo sâu sát để kiện toàn đội ngũ tư vấn tâm lý học đường trong thời điểm quan trọng này, giúp học sinh vượt qua những sang chấn tâm lý nếu có.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các đơn vị cần sẵn sàng tâm thế, nắm bắt tình hình diễn ra trên địa bàn và trong đơn vị để có kế hoạch hoạt động dạy học trở lại trong điều kiện "bình thường mới".
Song song đó, trường học cần nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tâm lý của học sinh và giáo viên để kịp thời báo cáo, đề xuất về Sở GD-ĐT TPHCM, làm cơ sở tham mưu UBND TPHCM các chế độ, chính sách phù hợp.
Theo ThS. Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng, nguyên giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM, hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành Khoa học sức khỏe, Đại học Queensland (Úc), các số liệu thống kê gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 5% người nhiễm Covid-19 là trẻ em và 4% nguồn lây nhiễm trong gia đình đến từ đối tượng này.
Trong khi đó, có đến 96% nguồn lây nhiễm trong gia đình đến từ các thành viên còn lại trong gia đình là người trưởng thành.
Một số liệu thống kê gần đây ở Mỹ cho thấy, không có sự khác biệt lớn về lượng tải virus ở trẻ giữa các độ tuổi khác nhau. Số lượng người nhập viện, cấp cứu và tử vong do Covid-19 có chiều hướng tăng theo độ tuổi.
Ngoài ra, trẻ em hiện nay cũng được xem là đối tượng ít có khả năng lây nhiễm và tử vong do dịch Covid-19. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh đang có xu hướng tăng lên do tỷ lệ tiêm vacxin ở người trưởng thành tăng lên ở các quốc gia.
Đặc biệt, nếu thực hiện các chính sách mở cửa, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng khá cao trong xã hội.
Để bảo vệ an toàn cho nhóm đối tượng này, người lớn có thể yêu cầu trẻ vừa rửa tay vừa hát một bài hát ngắn để trẻ cảm thấy thoải mái, rửa tay một cách vui vẻ, thời gian rửa tay phải kéo dài ít nhất từ 20-30 giây, rửa tay với dung dịch sát khuẩn.
Đối với trường hợp trẻ từ chối đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, các chuyên gia khuyến cáo nên đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi. Nếu trẻ từ chối đeo khẩu trang, cha mẹ hoặc thầy cô cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục và hướng dẫn trẻ đeo một cách phù hợp.
Song song đó, cần hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với môi trường bên ngoài, giải thích ý nghĩa của việc đeo khẩu trang để trẻ hiểu và hợp tác.
Bên cạnh đó, người lớn cũng có thể tạo thói quen tốt cho trẻ bắt chước như luôn mang theo chai nước rửa tay trong túi xách, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, không chạm tay lên vật dụng có khả năng tiếp xúc nhiều người như tiền, tay nắm cửa, túi nilong, thường xuyên mở cửa phòng cho thông thoáng, ưu tiên sử dụng gió tự nhiên thay vì máy lạnh…
Các chuyên gia cho rằng dưới tác động của đại dịch, trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng khá lớn và lâu dài, đặc biệt là trẻ bị cách ly, trẻ chậm phát triển, trẻ trong các gia đình khó khăn về kinh tế...
Ở góc độ khác, TS. Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục sức khoẻ tâm lý y học - Trường Đại học Y Dược TPHCM, đồng thời là Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàn - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thành phố Thủ Đức) cho rằng, khi tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch, trẻ em thường có biểu hiện cáu kỉnh, có hành vi đeo bám, cảm giác bất an, không an toàn, không thể tập trung và lo lắng. Khi trẻ sống trong cảm giác bất an sẽ dễ dẫn đến những vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Dịch bệnh mang đến nhiều thay đổi về môi trường sống, nhiều gia đình sống trong cảnh phải cách ly, mất người thân... dễ tạo nên cho trẻ những biểu hiện căng thẳng tâm lý ngắn hạn và lâu dài.
Thêm vào đó, trẻ phải thay đổi hình thức học tập (từ trực tiếp qua trực tuyến), bị giam giữ trong nhà, thiếu sự tương tác, thể chất bị ảnh hưởng khi không được vận động, đối diện với các nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến do tiếp xúc với môi trường internet nhiều...
Khi trẻ gặp khó khăn về tâm lý thường có 2 khuynh hướng biểu hiện ra bên ngoài là co mình lại hoặc bùng phát tạo cho người khác cảm giác là đứa trẻ không ngoan.
Do đó, vai trò của giáo viên và cha mẹ học sinh trong thời điểm hiện tại là cần tăng cường tương tác với trẻ, hướng dẫn cho trẻ các hoạt động, thói quen tốt để bảo vệ bản thân.
Trong đó, cần thiết lập cho trẻ kế hoạch học tập tại nhà nghiêm túc, tương tác với bạn học nhưng có sự giám sát của người lớn, quan tâm kịp thời đến các dấu hiệu tâm lý bất ổn của trẻ...
Theo PGS.TS Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình, Trường Đại học Y dược TPHCM, xã hội đang tiến dần đến việc sống chung với Covid-19. Hiện nay, việc xét nghiệm nhanh trở nên phổ biến. Mỗi người cần trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhận định, năm học 2021-2022 là năm học rất đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục vừa thực hiện nhiệm vụ năm học vừa cùng TPHCM phòng, chống dịch.
Để chuẩn bị, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, nhà trường cần phối hợp hướng dẫn phụ huynh cách thức tương tác hiệu quả với trẻ, đồng thời rèn luyện cho các em các thói quen vệ sinh, hoạt động học tập hiệu quả để có thể tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ lây nhiễm.