Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 33 đơn vị giáo dục đặc biệt. Trong đó, có 21 đơn vị công lập (3 trung tâm, 18 trường chuyên biệt) và 12 đơn vị ngoài công lập với tổng số 816 cán bộ, giáo viên và nhân viên.
Đối với công tác giáo dục hòa nhập, toàn thành phố có 925 trường mầm non và phổ thông dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật với 2.918 lớp, hơn 9.000 học sinh đang theo học.
Hiện nay, phần lớn các đơn vị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo các cấp trong công tác chuyên môn cũng như chăm lo cho đội ngũ, học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng chức năng được trang bị ở mức độ cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, trong năm học này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tạm ngừng đến trường trong thời gian dài, các đơn vị phải liên tục điều chỉnh hình thức học tập dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy như: Sĩ số học sinh/lớp nhiều nơi không ổn định, khả năng học tập của học sinh bị ảnh hưởng; hàng loạt trường rơi vào cảnh thiếu nhân sự, phải phân công lực lượng choàng gánh công việc...
Ngoài ra, một số đơn vị có diện tích phòng học nhỏ hẹp, không có sân chơi hoặc sân quá nhỏ nên hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện cho học sinh. Phòng chức năng chưa đảm bảo đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và rèn kỹ năng cho trẻ.
Về chế độ, chính sách cho đội ngũ, hiện nay chưa có chế độ ưu đãi cho nhân viên làm việc tại các cơ sở chuyên biệt gây ảnh hưởng tới công tác ổn định nhân sự tại các đơn vị.
Đặc biệt, liên quan đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng lưu ý, các cơ sở giáo dục không xây dựng chương trình giáo dục riêng cho học sinh từng dạng tật, thay vào đó thực hiện kéo giãn nội dung bài học dựa vào đặc thù riêng của học sinh khuyết tật.
Đơn cử, đối với học sinh lớp 1 khuyết tật cần dựa trên khả năng tiếp nhận thực tế của học sinh để đặt ra mục tiêu dạy học phù hợp như nhận diện số đếm, tính toán trong phạm vi nhỏ hơn so với học sinh bình thường.
“Đề kiểm tra cho học sinh hòa nhập không được cắt xén câu hỏi một cách cơ học từ đề kiểm tra của học sinh bình thường, phải xây dựng một đề kiểm tra riêng, phù hợp khả năng tiếp nhận của học sinh, đáp ứng mục tiêu đánh giá sự tiến bộ của học sinh chứ không theo quy định chung của chương trình”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TPHCM bày tỏ, năm học 2022-2023 diễn ra trong bối cảnh công tác dạy và học trở lại bình thường do dịch Covid-19 được kiểm soát. Tới đây, các trường cần thực hiện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để có những xem xét bổ sung, khai thác hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc – giáo dục trẻ.
Song song đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, giáo viên phải tăng cường trao đổi chuyên môn trong và ngoài nhà trường thông qua hình thức nghiên cứu bài học, xây dựng các bài dạy phù hợp từng đối tượng trẻ khuyết tật, hướng đến việc phát huy năng lực đặc thù cho trẻ.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, đại diện các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình hướng nghiệp và giáo dục giới tính, bộ công cụ giáo dục kĩ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh chậm phát triển trí tuệ.
Bên cạnh đó, nhiều trường chuyên biệt công lập hiện không thể tuyển đủ giáo viên do quy định về thu nhập chưa phù hợp. Từ thực tế đó, các trường kiến nghị các cấp quan tâm, có chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên ngành chuyên biệt nhằm đảm bảo công bằng xã hội, ổn định đội ngũ giáo viên.