Sĩ quan nghỉ hưu vẫn đứng lớp
Đến nay, trên địa bàn Quân khu 7, các trường công lập cơ bản bố trí đủ giáo viên chuyên trách quốc phòng và an ninh. Nhà trường chủ động kết hợp cùng đơn vị quân đội, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn trong việc giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 1 triệu học sinh, sinh viên. Hơn 8.000 học sinh tại 200 trường THPT tham gia bắn đạn thật. 1.700 học sinh THCS, THPT có cơ hội thử thách trong “Học kỳ quân đội”, “Trải nghiệm quân ngũ”. Đồng thời, 108 trường cao đẳng, đại học ký liên kết với nhiều trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Qua đó, 110.000 sinh viên có điều kiện học quân sự tập trung.
Phát biểu tại hội nghị về giáo dục quốc phòng và an ninh diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đánh giá thao trường, bãi tập do TP quản lý hiện chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, cũng như số lượng học sinh, sinh viên. Một số trường dân lập, trường liên kết với nước ngoài chưa quan tâm đúng mức đến chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, cơ quan chức năng chưa có chế tài cụ thể đối với tập thể, cá nhân vi phạm liên quan đến giáo dục quốc phòng và an ninh.
Ông Trịnh Tấn Hoài, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh sinh viên - Đại học Quốc gia TPHCM, phản ánh một số trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (thành lập theo quyết định của hiệu trưởng trường đại học) không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về điều kiện thành lập.
Cụ thể, trong quá trình giám sát, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có trung tâm đóng tại TPHCM chưa có hệ thống nhân sự bài bản, đúng quy trình. Trung tâm có 12 giáo viên thì tất cả đều là… sĩ quan nghỉ hưu. Một giáo viên phụ trách rất nhiều chuyên đề, cả chính trị lẫn quân sự. Có đồng chí 60 tuổi nhưng đảm nhận các tiết… thực hành trên thao trường, bãi tập.
“Như vậy làm sao đảm bảo chất lượng dạy và học”, ông Hoài băn khoăn. Hiện nay, Nhà nước chưa quy định cụ thể về chế tài đối với những vi phạm trên, nên sau khi kiểm tra và có kết luận, việc xử lý vẫn còn lúng túng.
Lấy chuyển biến trong nhận thức làm thước đo
Theo Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cần làm bài bản và quy củ hơn. Trung tướng đặt vấn đề về phương pháp “đẩy” giáo dục quốc phòng và an ninh trở thành việc hàng ngày, thường xuyên, tự nhiên và đem lại hiệu quả cao nhất. Chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh: “Nếu chỉ yên tâm về số lớp, số người học, tỷ lệ khá - giỏi theo chỉ tiêu thì coi chừng chúng ta bị con số đánh lừa. Thay vào đó, cơ quan, đơn vị hãy lấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân - đối tượng giáo dục - làm thước đo kết quả. Trong đó, sinh viên - đội ngũ trí thức - là đối tượng cần sự quan tâm, bồi dưỡng kỹ lưỡng. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh không thể thực hiện mục đích trên khi đơn độc. Lớp học chỉ là một trong những kênh truyền đạt. Sinh viên cần nhà trường, xã hội truyền thụ thêm”.
Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7, cho biết sắp tới, Quân khu 7 sẽ rà soát 400 trường đại học thuộc thẩm quyền quản lý về quốc phòng và an ninh, nhằm lập lại trật tự kỷ cương, từ bộ máy đến phương pháp giảng dạy; loại bỏ những trường, trung tâm “ma”.
Ghi nhận ý kiến từ cơ sở, Trung tướng Nguyễn Duy Niên, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ Quốc phòng), đề nghị cơ quan chức năng rà soát lại tất cả trung tâm, trường học trong việc thực hiện quy định liên quan đến giáo dục quốc phòng và an ninh. Bên cạnh đó, địa phương cần sâu sát trong việc quản lý, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy. Đồng thời nhân rộng kiến thức quốc phòng và an ninh thông qua kênh truyền thông (truyền hình, báo viết, báo nói…), đây là một trong những cách làm hiệu quả.