Giải pháp gắn với môi trường giáo dục
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nội dung cốt lõi luôn được đặc biệt quan tâm và tiến hành thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành.
Thời gian qua, tại quận 10 (TPHCM), các cấp ủy đảng từ quận đến cơ sở và các chi bộ luôn quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đặc biệt, chi bộ của 50 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn quận có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, người lao động trong môi trường sư phạm. Cụ thể, tại chi bộ Trường Măng non 2 và tại chi bộ Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, việc học tập và làm theo Bác được xem là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các phong trào thi đua của ngành, đạo đức công vụ của nhà giáo; gắn với các phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Đồng thời tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, mẫu mực trong tác phong, ngôn phong, ứng xử, yêu thương giúp đỡ học sinh. Chi bộ Trường THPT Nguyễn An Ninh tổ chức tiếp xúc, đối thoại để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính một cách sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Đổi mới phương thức bồi dưỡng chính trị
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị trong trường học trên địa bàn quận 10 vẫn tồn tại một số hạn chế. Đồng chí Nguyễn Tấn Tài, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 10, nhìn nhận: Một số cấp ủy chi bộ trường học chưa thấy được tầm quan trọng và chưa quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, người lao động; dẫn đến chất lượng công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng tại một số chi bộ chưa cao, chưa phát huy sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên tại tổ chức đảng của các trường. Nguyên nhân của hạn chế này là do áp lực công tác giảng dạy, chạy theo giáo án, chạy theo chương trình, nên không còn thời gian dành cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường.
Không dừng lại ở cán bộ, đảng viên, giáo viên, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong trường học cũng hướng đến các em học sinh - những người chủ tương lai của đất nước. Tại một số trường học trên địa bàn quận, việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, ý thức chấp hành kỷ luật, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ... được lồng ghép thông qua các môn học hoặc qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Hay như Trường THPT Nguyễn An Ninh, tổ chức cho học sinh viết thư thăm hỏi, động viên chiến sĩ hải quân; qua đó giáo dục tình yêu quê hương, biển, đảo của đất nước, xây dựng lý tưởng sống tốt đẹp cho học sinh. Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám mời các chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc những thầy cô có kinh nghiệm, uy tín trong học sinh để nói chuyện theo các chuyên đề, qua đó gợi mở, nắm bắt tư tưởng và định hướng cách nghĩ cho học sinh...
Ngoài ra, việc tổ chức cho đảng viên, hệ thống chính trị học nghị quyết, chủ trương của Đảng tại một số chi bộ còn qua loa, chiếu lệ. Mỗi năm chỉ có một đợt học chính trị vào dịp hè dành cho giáo viên, người lao động, thời gian từ 3 đến 5 buổi; nội dung xoay quanh chương trình trong năm học, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, một số chuyên đề. Trường hợp đảng viên nằm trong danh sách quy hoạch mới được đưa đi học trung cấp lý luận chính trị. Một hạn chế khác là chất lượng công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa sâu và chưa mang tính thuyết phục cao; việc nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên đôi khi chưa kịp thời. Thậm chí không ít giáo viên có tư tưởng không muốn vào Đảng, chỉ muốn làm tốt công việc chuyên môn, dẫn đến tỷ lệ đảng viên của các chi bộ trường học hiện nay rất thấp so với số lượng giáo viên tại trường. Dẫn chứng là tại 50 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT có khoảng 2.500 giáo viên, nhưng tỷ lệ bình quân đảng viên trong các trường chưa đến 20%.
Để giải quyết những hạn chế trên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 10 Nguyễn Tấn Tài cho biết trong thời gian tới, các cấp ủy đảng sẽ đổi mới phương thức bồi dưỡng công tác chính trị hè hàng năm nhằm đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời tạo sự chủ động, trách nhiệm về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các bí thư chi bộ đồng thời là hiệu trưởng nhà trường. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị trực tiếp cho giáo viên; trước mắt là tổ chức tọa đàm tác phẩm Sửa đổi lối làm việc cho 50 bí thư chi bộ, hiệu trưởng các trường và 41 bí thư đảng bộ cơ sở trực thuộc Quận ủy quận 10 vào cuối tháng 10-2017, và xây dựng chuyên đề về công tác sinh hoạt chính trị tư tưởng trong hội đồng sư phạm của các trường...
Việc giáo dục tư tưởng chính trị trong nhà trường là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bồi dưỡng lý tưởng, nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhằm hình thành những lớp công dân sống có lý tưởng, có bản lĩnh, nhân cách và kỹ năng sống chủ động, tích cực, hướng thiện. Đây là điểm cuối cùng, là khâu then chốt trong giáo dục mà nhà trường phố thông cần đạt đến.