Quan tâm giải quyết tình trạng thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh

Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Là đại biểu (ĐB) đầu tiên phát biểu tại hội trường, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) bày tỏ băn khoăn khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2023 ước chỉ đạt 3,77% - 4,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%-6%). Năng suất lao động bình quân chậm được cải thiện cũng là mối quan tâm của ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), Trần Văn Khải (Hà Nam) và nhiều ĐB khác.

ĐB Trần Văn Khải nêu vấn đề: “Trong 3 năm vừa qua, chúng ta đều chưa hoàn thành chỉ tiêu về năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ được nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này”. Trong khi đó, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhìn nhận, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… vẫn đặt các doanh nghiệp trước nhiều thách thức. ĐB mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm ban hành những chính sách kịp thời, thiết thực để giải quyết tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Trong số các vấn đề xã hội, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết Nghị quyết số 51/2017/QH14 về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đề cập đến báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nhận xét, về cơ bản, báo cáo đã đánh giá khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện Nghị quyết và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa làm rõ mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào.

Tranh luận với ĐB Nguyễn Duy Thanh, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát cho biết: “Việc bóc tách kinh phí thực hiện cho chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thật cụ thể như yêu cầu của ĐB Thanh là điều cần làm, nên làm, tuy nhiên trong quá trình giám sát không thể làm được. Bởi vì, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới là một lộ trình có sự kết nối giữa thực hiện chương trình cũ và chương trình mới, cho nên chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng, còn vấn đề lương cho giáo viên, vấn đề sửa chữa trang thiết bị thì... rất khó bóc tách”.

Liên quan tới vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Duy Thanh là Bộ GD-ĐT có nên làm một bộ sách hay không? Như vậy có trái với Nghị quyết 122 của Quốc hội hay không, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ quan điểm: “Nghị quyết 88 là nghị quyết gốc và yêu cầu Bộ GD-ĐT làm một bộ sách giáo khoa. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng nội dung, chương trình, sách giáo khoa để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Nghị quyết của đoàn giám sát thể hiện rõ nội dung này”...

Tin cùng chuyên mục