Còn nhiều bất cập
Phát biểu tại một cuộc thảo luận về chính sách y tế quốc tế, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc vaccine không phải là cách đúng đắn”, đồng thời khẳng định chỉ có quy mô toàn cầu mới có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo các nhà phân tích, mặc dù các nỗ lực ngoại giao vaccine có lợi cho một số quốc gia có thu nhập thấp, nhưng căng thẳng địa chính trị và sự chia rẽ mà chính sách này gây ra cho thấy nhu cầu về một giải pháp lâu dài. Ngoại giao vaccine cũng có thể gây thiệt hại cho các nước thu nhập thấp vì các nước này có thể đồng ý với những điều khoản đàm phán bất lợi do áp lực của đại dịch. Trung Quốc là nước đi đầu trong việc vận dụng chính sách ngoại giao vaccine để đạt được quyền lực mềm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã thông báo Bắc Kinh đang tài trợ vaccine cho 69 quốc gia và bán cho 28 quốc gia khác. Tính chung, Trung Quốc đã gửi 114 triệu liều vaccine ra nước ngoài.
Tuy nhiên, bản thân các nước sử dụng chiến thuật ngoại giao vaccine cũng bị chính áp lực từ trong nước. Dự kiến, Trung Quốc sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19 trong nước đạt 40% dân số vào tháng 6. Tương tự, theo Sputnik, Nga đã hứa cung cấp khoảng 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 50 quốc gia ở châu Á và châu Mỹ Latinh nhưng Nga mới chỉ tiêm chủng cho khoảng 20% dân số. Hay như trường hợp Israel, nước này đã phải ngừng hoạt động cung cấp vaccine Covid-19 tới các quốc gia khác sau khi vấp phải sự phản đối từ chính nội các.
Cần cải tổ hệ thống y tế toàn cầu
Giám đốc Viện Y tế Đức (Difäm) ở Tübingen, bà Gisela Schneider, cho rằng đại dịch Covid-19 “như một chiếc kính lúp” cho thấy những điểm yếu trong hệ thống y tế toàn cầu và “câu trả lời vượt ra ngoài vấn đề vaccine”. Theo bà, điều cần làm là phải tạo ra các hệ thống y tế có khả năng phục hồi, ví dụ như ở các nước kém phát triển hoặc yếu về tài chính. Bà cũng nhấn mạnh để có thể tiêm chủng cho dân số thế giới cần phải thảo luận việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ, giống như với các loại dược phẩm chống HIV/AIDS, bởi điều này “phục vụ an ninh toàn cầu”.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ đặt ra câu hỏi về mức độ mà cộng đồng quốc tế sẵn sàng biến ý tưởng thành thực tế. Chương trình hỗ trợ toàn cầu tiếp cận vaccine Covid-19 của Liên minh vaccine toàn cầu COVAX được cho là để đảm bảo việc phân phối vaccine Covid-19 công bằng hơn dường như chưa phát huy hiệu quả. Theo giáo sư Jeremy Youde, Đại học Minnesota Duluth (Mỹ), sự mâu thuẫn giữa lợi ích thương mại và sức khỏe không chỉ xuất hiện trong đại dịch Covid-19. Chẳng hạn chi phí thuốc kháng retrovirus được phát triển để kéo dài sự sống của những người nhiễm HIV từng lên tới hơn 10.000 USD/năm - khiến phần lớn người dân ở các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất không thể chi trả được. Điều này dẫn đến việc thông qua Tuyên bố Doha vào năm 2001, cho phép các quốc gia bỏ qua các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế cho dược phẩm khi có tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Cả Ấn Độ và Nam Phi đều kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Cuối cùng, có Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ ủng hộ việc miễn trừ quyền sáng chế với vaccine Covid-19. Tuy nhiên, do nguyên tắc sự đồng thuận của WTO nên không rõ khi nào mới có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Trong khi đó, tình hình lây nhiễm Covid-19 toàn cầu đang rất phức tạp.
Theo một phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 5,6% trong năm nay và 4% vào năm 2022. Ông Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD, nhấn mạnh nếu việc triển khai tiêm chủng chậm lại tại nhiều nước và virus SARS-CoV-2 cùng các biến thể vẫn hoành hành, GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 2% so với dự báo đưa ra cho cuối năm 2022. |