Thông tin đầy đủ, kịp thời
Thời gian gần đây, TPHCM triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn. Có đất nằm trong dự án đường Vành đai 2 (đoạn 2), gia đình ông Nguyễn Văn Gia (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) quan tâm đến các quy định liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Về thông tin các khu tái định cư mà TP Thủ Đức thông báo, mọi người trong gia đình ông cũng không nắm được hết để đăng ký với địa phương.
Trong lúc mọi người đang băn khoăn, cán bộ khu phố gửi thông tin về các khu tái định cư lên nhóm trò chuyện chung của khu phố, trong đó có đầy đủ thông tin về đơn giá, số lượng, diện tích, sơ đồ vị trí các nền đất, căn hộ… để người dân tìm hiểu.
“Nhờ có các thông tin ấy mà gia đình tôi có thể cùng nhau thảo luận để đăng ký nơi tái định cư phù hợp với nhu cầu”, ông Nguyễn Văn Gia cho biết.
Những thông tin về công tác bồi thường, tái định cư dự án đường Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2) trên địa bàn TP Thủ Đức được xây dựng thành một bộ ấn phẩm, niêm yết tại trụ sở UBND các phường, trụ sở khu phố nơi có đất bị thu hồi. Bộ ấn phẩm tuyên truyền được Chi đoàn Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thực hiện.
Theo anh Nguyễn Tuấn Vương, Bí thư Chi đoàn Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, bộ ấn phẩm được trình bày dễ hiểu, cô đọng các thông tin người dân quan tâm nhất và mô phỏng sơ đồ, qua đó giúp người dân xem rõ các khu tái định cư và có thể đến trực tiếp xem nơi mà mình sẽ sinh sống ổn định lâu dài. Từ đó, người dân an tâm, hài lòng và đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng.
Tương tự, những thắc mắc như: “Mình giữ tiền để chi tiêu trong nhà, nhưng giận chồng nên mình không nấu cơm cho chồng ăn, vậy có vi phạm về hành vi bạo lực gia đình không?”, “Trước giờ, em chỉ nghe phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, nam bị bạo hành thì nay em mới nghe”… được rất nhiều công nhân, người lao động tại Công ty CP Hợp tác Kinh tế & XNK Savimex đặt ra tại một buổi tuyên truyền pháp luật do Liên đoàn Lao động quận 1 tổ chức ngay tại công ty.
Nhiều nữ công nhân không tiện đặt câu hỏi tại buổi tuyên truyền pháp luật đã trao đổi riêng cùng chuyên gia để được giải đáp các thắc mắc, điều mình chưa hiểu hết về các chủ trương, chính sách pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Nắm bắt được nhu cầu của công nhân, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện ngay những buổi tuyên truyền tại các doanh nghiệp có đông người lao động vào cuối tháng 10 vừa qua, nhằm giúp người lao động có thêm kiến thức về pháp luật để bảo vệ bản thân và hiểu được những quyền lợi chính đáng của mình.
Hình thức tuyên truyền linh hoạt
Trước nhu cầu tư vấn pháp luật trong công nhân ngày càng lớn, cùng xu hướng sử dụng công nghệ số, nhiều đơn vị đã ra mắt mô hình tư vấn pháp luật trực tuyến vận hành trên Zalo, Viber, E-mail. Nhờ đó, nhiều công nhân không mất thời gian đi lại và được tư vấn, hỗ trợ giải quyết sự việc một cách nhanh chóng. Nhiều công đoàn cấp trên cơ sở cũng đã tận dụng mạng xã hội Facebook để tuyên truyền pháp luật đến công nhân lao động một cách nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết, để đưa pháp luật đến gần với công nhân lao động, ngoài các buổi tư vấn, tuyên truyền trực tiếp tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trung tâm còn thực hiện tuyên truyền pháp luật ở các khu nhà trọ, doanh nghiệp…
Tại các buổi tuyên truyền này, các chuyên gia, luật sư đã tư vấn, giải đáp cụ thể các vấn đề công nhân đang gặp phải liên quan đến pháp luật. Trung tâm cũng thành lập 34 tổ tư vấn pháp luật tại các công đoàn cấp trên cơ sở và 145 tổ tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp có trên 500 người lao động. Nhờ đó đã giúp công nhân được tiếp cận nhiều hơn để hiểu về các quy định của pháp luật.
Còn đối với học sinh, sinh viên, cách tuyên truyền pháp luật cũng có sự linh hoạt, phù hợp với các em. Hiện nay, ở TPHCM, hầu hết các trường đào tạo ngành luật đều áp dụng mô hình “phiên tòa giả định” để sinh viên tham gia thực hành học tập. Sau này, mô hình được nhiều đơn vị sử dụng để tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Mô hình này đang được phát triển trở thành hình thức “Kịch diễn đàn về pháp luật”. Kịch chỉ nêu sự kiện và đẩy lên cao trào, sau đó dừng lại và mời người tham dự lên thay vai, xử lý tình huống theo cách hiểu của họ.
Theo ThS Hoàng Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Phục vụ cộng đồng, Trường Đại học Luật TPHCM, cách thức này hiệu quả hơn những cách thông thường khác như báo cáo chuyên đề, đố vui, lựa chọn đáp án có sẵn…
Vì khi tham gia kịch diễn đàn, người tham dự sẽ hiểu - nhớ và có thể thực hành theo các quy định pháp luật trong các tình huống tương tự. Người dân tham dự cũng sẽ có những kiến thức sơ đẳng hoặc đã được giải đáp những vấn đề pháp luật chung trước khi được luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
TS NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Tránh tuyên truyền kiểu "hàn lâm"
Hiện nay, dù công tác tuyên truyền pháp luật đã được triển khai mạnh mẽ nhưng trong một số lĩnh vực, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn chưa chuyển biến. Ví dụ như trong lĩnh vực an toàn giao thông, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn tiếp diễn với mức độ đáng lo ngại.
Đối với các quy định cơ bản như dừng khi đèn đỏ, không đua xe..., hầu hết các thanh thiếu niên đều nắm rõ, nhưng họ vẫn cố tình vi phạm vì cho rằng điều đó thể hiện sự “ngầu” hoặc “bản lĩnh”. Để cải thiện tình hình, công tác tuyên truyền pháp luật cần phải đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Việc tuyên truyền phải được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng cụ thể, cần tránh cách truyền tải quá “hàn lâm” với nội dung dài dòng, trích dẫn trực tiếp các điều luật mà không giải thích cụ thể.
Thay vào đó, cần biên soạn nội dung ngắn gọn, dễ hiểu và phân tích sâu hơn về hậu quả nếu không tuân thủ quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM:
Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở
Với phương châm “đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm”, Sở Tư pháp TPHCM đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức hình thức “ngày hội pháp luật” với các chủ đề thiết thực, kết hợp tuyên truyền quy định pháp luật mới, tư vấn pháp luật, phiên tòa giả định, trợ giúp pháp lý… cho đa dạng đối tượng như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, nông dân, công nhân, người lao động...
Các hoạt động này được nhiều cơ sở triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, góp phần không nhỏ giúp người dân nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước để thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
LÊ HOÀNG BẢO TRÂN, Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, người đoạt giải nhất cuộc thi Tìm hiểu Luật Căn cước trên địa bàn TPHCM năm 2024:
Tuyên truyền pháp luật qua cuộc thi trực tuyến phù hợp với người trẻ
Hình thức tuyên truyền pháp luật qua những cuộc thi trực tuyến rất thiết thực và phù hợp với người trẻ như tôi. Hiện nay, phần lớn người trẻ đều tiếp cận và sử dụng internet hàng ngày, nên việc tổ chức cuộc thi trực tuyến giúp người trẻ tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Các cuộc thi trực tuyến thường linh hoạt về thời gian và địa điểm, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và người trẻ nói chung tham gia, ngay cả khi lịch trình học tập bận rộn.
Ví dụ như cuộc thi tìm hiểu pháp luật về Luật Căn cước và định danh điện tử năm 2024 do TPHCM tổ chức đã tạo ra sức hút lớn khi thi bằng hình thức trắc nghiệm, giúp thí sinh vừa củng cố kiến thức vừa rèn luyện tư duy cũng như sự nhạy bén của mình.