Giám sát chéo vẫn có công trình “lọt sổ”
Trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM hiện nay, lực lượng Thanh tra Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TPHCM cùng phối hợp với lực lượng trật tự đô thị của quận, huyện thực hiện. Dù được gọi là thanh tra xây dựng nhưng theo ông H., cán bộ Đội Thanh tra địa bàn quận 12 (Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM), lực lượng này chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm tra các công trình xây dựng.
Hiện nay, việc lập biên bản vi phạm được giao cho hai đơn vị nói trên thực hiện. Nếu xây dựng sai phép thì thanh tra lập biên bản, sau đó trình Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định xử phạt; nếu hành vi có mức phạt trên 50 triệu đồng thì trình UBND TPHCM ra quyết định xử phạt. Trường hợp xây dựng không phép thì lực lượng trật tự đô thị cấp phường, quận lập biên bản trình Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định xử phạt. Nếu phường, quận “sót” các công trình xây dựng không phép mà thanh tra xây dựng phát hiện thì Chủ tịch UBND phường, xã bị đề nghị phê bình, kiểm điểm trách nhiệm. Ngược lại, với các công trình xây dựng sai phép mà thanh tra xây dựng “sót” và trật tự đô thị lập biên bản xử lý thì thanh tra xây dựng bị phê bình, kiểm điểm trách nhiệm. Quy trình “kiểm tra chéo” này nhằm tăng tính trách nhiệm giữa 2 lực lượng trong quản lý xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn.
Thế nhưng, thực tế 2 trường hợp vi phạm xây dựng mà chúng tôi đề cập ở trên đều không ra quyết định xử phạt. Điều này cho thấy, dù quy định trao thẩm quyền lập biên bản vi phạm xây dựng cho cả thanh tra địa bàn và lực lượng trật tự đô thị ở địa phương, song nhiều nơi vẫn không quản được. Hàng loạt công trình vi phạm xây dựng thời gian qua, mà nhất là ở khu vực vùng ven là dẫn chứng cụ thể. Thực tế này cho thấy khả năng có “móc nối” giữa thanh tra xây dựng với lực lượng trật tự đô thị để bỏ qua các vi phạm xây dựng. Trao đổi với phóng viên về việc có tình trạng lực lượng trật tự đô thị và thanh tra xây dựng “ém” các vụ việc sai phạm về xây dựng, một chủ tịch UBND huyện chia sẻ không loại trừ tình trạng trên.
Tăng trách nhiệm cho địa phương
Theo Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng, từ thực tiễn quản lý cho thấy, việc thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị thuộc UBND quận, huyện là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay. Mặt khác, việc thống nhất một đầu mối quản lý này còn giúp cho việc quản lý tại địa phương không có sự phân biệt giữa các sai phạm xây dựng không phép, sai phép (để phân chia trách nhiệm giữa các lực lượng như hiện nay - PV). Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chỉ rõ, việc thống nhất một đầu mối quản lý là đội quản lý TTXD đô thị còn giúp công tác chỉ đạo trực tiếp của UBND quận, huyện được nhanh chóng, kịp thời trong xử lý các vi phạm về xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn. Điều quan trọng là công tác quản lý cán bộ được sát sao hơn, quản lý xây dựng được chặt chẽ hơn, phòng tránh các hành vi tiêu cực, bao che, tiếp tay cho xây dựng sai phép, không phép.
UBND TPHCM vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện tại TPHCM. Theo đề xuất, nhiệm vụ kiểm tra tình hình xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn sẽ giao về cho lực lượng trật tự đô thị phường, xã và quận, huyện. Thanh tra xây dựng chỉ giữ lại một bộ phận chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Xây dựng TPHCM, làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo Nghị định 26/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng. |