Sáng 26-7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội nghị lần thứ 17 sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 0,4% (đạt 64.000 tỷ đồng), nộp ngân sách tăng 1,62% (khoảng 125.000 tỷ đồng).
Một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng có chuyển biến tốt, kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận vượt kế hoạch và tăng 50-60%. Tình hình việc làm và thu nhập của người lao động được duy trì ổn định. Thu nhập của người lao động cao nhất là khối ngân hàng (21-33 triệu đồng/người/tháng), thấp nhất là ở khối nông, lâm, xây lắp 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Đề cập đến những ý kiến cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gây ra nhiều khó khăn chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần phải nhìn từ 2 phía. Mô hình ủy ban là mới và trên thế giới không có một mô hình chung nào. Chính vì không có tiền lệ như vậy nên việc áp dụng còn nhiều bỡ ngỡ, ở cả người được giao nhiệm vụ. Vì mô hình mới nên cán bộ chưa được tôi luyện, chưa có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, cách thức xử lý công việc chưa đúng, trúng. Trong khi đó, quản lý vốn lại là vấn đề hết sức phức tạp, mới. Đó là những vấn đề mang tính khách quan và cần được thông cảm.
Để đánh giá những vấn đề đạt được và điều chưa đi vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã có văn bản yêu cầu ủy ban, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty có báo cáo đánh giá, phản ánh những vấn đề chưa được trong quá trình hoạt động ở mô hình mới. Sau đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập hợp các kiến nghị và tổ chức hội nghị với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành xem xét những vướng mắc.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, quản lý vốn là vấn đề phức tạp nhưng điều quan trọng là quản đến đâu vì “không phải cái gì cũng biết được”. Vì vậy cần phải xem xét Ủy ban quản lý cái gì thì hợp lý, phân cấp chức năng đến đâu để doanh nghiệp chủ động quyết định. Quan hệ giữa đại diện vốn và quản lý vốn cũng cần rạch ròi đâu là việc chủ trì, đâu là việc phối hợp bởi nếu nói “quản lý vốn mà làm hết cũng không phải”.
Về 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ cùng với các bộ chủ quản, đảng bộ khối đánh giá lại thực chất việc cơ cấu các dự án này để xem vướng mắc ở đâu và xử lý thế nào.
“Cũng giống như người bệnh. Nếu có khả năng cứu chữa thì tiêm thuốc, bồi bổ để phục hồi; còn nếu khám mà thấy vô phương cứu chữa, kiểu gì cũng chết, rút ống thở là chết thì cũng không nên kéo dài”, đồng chí Nguyễn Văn Bình ví von và nêu quan điểm, với dự án đã đầu tư 100 đồng, nếu bỏ ra 2 đồng mà dự án hoạt động được thì sẽ giữ được khoản đầu tư 100 đồng thì nên tính toán. Còn nếu chỉ nhìn vào 2 đồng và cho rằng không nên bỏ ra, như vậy sẽ mất 100 đồng.
Liên quan đến vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thể chế hóa đầy đủ, phù hợp, đúng đắn với tinh thần chỉ đạo và tổ chức tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thì cơ sở cho phát triển doanh nghiệp nhà nước là rất tốt.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, cũng vì nhận biết dư luận xã hội không thiện cảm với doanh nghiệp nhà nước nên việc thực hiện Nghị quyết số 12 phải tốt để lấy lại hình ảnh doanh nghiệp nhà nước để khối này thực sự là lực lượng quan trọng, chủ đạo, đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, trong yếu và tư nhân không làm và không làm được, từ đó trở thành lực lượng dẫn dắt.