Tiện ích nhưng khó quản
Bắt đầu từ ví điện tử như MoMo hay ZaloPay… dưới hình thức là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dùng nạp tiền để thực hiện các giao dịch như mua thẻ cào nạp tiền điện thoại, thanh toán các dịch vụ điện, nước, viễn thông hay mua sắm trực tuyến.
Bản thân ZaloPay còn có khả năng thanh toán cho các giao dịch ở một số game online có phép. Và hiện nay, có không ít ví điện tử khác đang hoạt động hoặc đang trong quá trình xin phép…
Trong khi đó, với hình thức nạp tiền vào tài khoản ví điện tử bằng mã thẻ cào điện thoại như tại baokim.vn, người dùng không có tài khoản Internet Banking hoặc các loại thẻ visa vẫn có thể mua hàng trực tuyến một cách dễ dàng.
Thêm nữa, gần đây còn có cổng thanh toán trực tuyến tích hợp thẻ cào. Chẳng hạn như Banthe247.com là trang kết nối, là địa chỉ cung cấp các loại thẻ game, thẻ cào của các đơn vị như Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gate, Zing.
Trên các cổng thanh toán, việc mua bán thẻ cào vẫn diễn ra bình thường
Như vậy, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, rất dễ sở hữu thẻ cào và bản thân thẻ cào đã đóng vai trò quan trọng cho các giao dịch trong đời sống. Có người mua thẻ cào để nạp tiền điện thoại, để thanh toán một món hàng nào đó, để nạp tiền cho game, hay để tặng thẻ cào cho người khác…
Dù vậy cần biết rằng, ban đầu thẻ cào ra đời chỉ với chức năng thanh toán dịch vụ viễn thông. Nhưng hiện nay, thẻ cào điện thoại đang được sử dụng như một phương tiện thanh toán cho các ứng dụng, trò chơi game.
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT-TT tháng 11-2017, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm từng cảnh báo đang có một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong quản lý thẻ cào di động.
Theo đó, chính sách pháp luật của Việt Nam có quy định không được dùng thẻ cào thanh toán cho các game chưa được cấp phép, game bài, game lậu... Nhưng thực tế nhà mạng không có cách nào kiểm soát nổi thẻ cào dùng thanh toán cho dịch vụ nào và dịch vụ đó có phép hay chưa.
Nỗi lo từ cổng thanh toán trung gian
Được biết, khi các nhà mạng ký kết hợp đồng với các đối tác cung cấp nội dung, tất cả đều cam kết hoạt động đúng pháp luật, cung cấp những dịch vụ được pháp luật cho phép.
Tỷ lệ “ăn - chia” giữa nhà mạng viễn thông và đối tác cung cấp nội dung là thỏa thuận giữa hai bên, chứ không có quy định nào bắt buộc cố định.
Điều này có nghĩa khi một thẻ cào di động được cào và kích hoạt, hệ thống nhà mạng nhận dạng được seri và mật mã thẻ cào, đồng thời biết số tiền (mệnh giá thẻ cào) chuyển về cổng thanh toán của ai, cho đối tác nào đã ký kết hợp tác.
Các nhà mạng xem đó là dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng viễn thông của mình cung cấp. Hàng tháng, hai bên sẽ tiến hành đối soát và thanh toán cho nhau theo hợp đồng đã ký kết.
Thế nhưng, theo các chuyên gia viễn thông, vấn đề ở đây là số tiền (chuyển qua thẻ cào) khi đã chuyển về cổng thanh toán trung gian và đối tác thì nhà mạng không thể kiểm soát được số tiền đó được dùng làm gì, chuyển đi đâu.
Nói cách khác, vì dòng tiền này không qua hệ thống tài khoản ngân hàng khi trực tiếp phát sinh và dịch chuyển nên gần như không ai giám sát được dòng tiền này được sử dụng vào việc gì, trừ đối tác cung cấp nội dung nhận được dòng tiền đó.
Chẳng hạn như khi nhà mạng ký hợp tác với công ty trung gian thanh toán về việc sử dụng thẻ cào để nạp vào thẻ game A và tất nhiên game đó phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.
Còn trong trường hợp công ty trung gian không nạp vào các game A được cấp phép theo danh sách đăng ký mà “lái” sang các game B thì khi đó nhà mạng không đủ công cụ để kiểm soát việc này và nếu nó có phải cờ bạc trá hình hay không phải nhờ vào cơ quan công an.
Song theo vị chuyên gia này, trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, nếu nói nhà mạng không có trách nhiệm thì không đúng. Ngược lại, nếu cho rằng các nhà mạng “tiếp tay” hay “cung cấp dịch vụ” cho các tổ chức đánh bạc trực tuyến thì cần xem xét các liên kết, hợp đồng, hệ thống kỹ thuật…
Quan trọng hơn, chính do lỗ hổng trong quản lý thẻ cào và giám sát hoạt động của các cổng hỗ trợ thanh toán trung gian mới tạo điều kiện cho vụ việc diễn ra.
Vì vậy, để bảo đảm lành mạnh trong hoạt động thanh toán điện tử, chống tội phạm rửa tiền, các cơ quan chức năng cần phối hợp tiến hành thanh tra hoạt động của các đơn vị thanh toán trung gian đang chấp nhận hình thức nạp tiền bằng thẻ cào.
Mô hình này nếu tiếp tục được tồn tại như hiện nay, không bị giám sát chặt chẽ sẽ dễ dàng sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm và là kẽ hở cho các loại tội phạm rửa tiền, hay cờ bạc trực tuyến như vụ án đánh bạc ngàn tỷ vừa qua.
Cho đến nay, pháp luật Việt Nam không có quy định nào về mức tỷ lệ ăn chia giữa đối tác làm dịch vụ gia tăng với nhà mạng, mức bình thường trên thị trường hiện ước lượng khoảng 20%-25%.
Tất nhiên cũng tùy những thỏa thuận hoặc dịch vụ mà tỷ lệ này có thể tăng hoặc giảm. Như trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone được cho là hưởng từ 15,5%-16,3%, tương đương 1.402 tỷ đồng.
Hơn nữa, trong các báo cáo kinh doanh của các nhà nhà mạng cũng không đề cập chi tiết doanh thu của từng loại dịch vụ viễn thông. Số liệu này ghi nhận được là từ năm 2014 của nhà mạng MobiFone, khi trong tổng cơ cấu doanh thu của nhà mạng này thì các dịch vụ giá trị gia tăng chiếm khoảng 30%.
Doanh nghiệp tạo nên ví điện tử hay cổng thanh toán… cũng đã đóng góp rất lớn trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào đời sống, giảm bớt công sức trong giao dịch hàng ngày và nhất là thực hiện chủ trương hạn chế dùng tiền mặt của Chính phủ.
Cho nên phân định giá trị giao dịch của thẻ cào hay giá trị sử dụng của các ví điện tử, cổng thanh toán với đời sống xã hội cũng rất cần được xem xét thấu đáo…, vì nếu không sẽ giết chết ngành này - ngành vốn bị cạnh tranh gay gắt bởi các công ty nước ngoài.