Mô hình lạ mà quen
Vẫn là mô hình thu gom quần áo đã qua sử dụng, nhưng Resy (một sáng kiến của Công ty BTR Global Vietnam, khởi động từ tháng 9-2023) tạo thêm nguồn thu cho đội ngũ cộng tác viên và khuyến khích người tiêu dùng làm quen với việc phân loại rác thải từ nguồn - một trong những yếu tố quan trọng để quá trình xử lý rác thải đạt hiệu quả tốt nhất.
Sự khác biệt của Resy với những mô hình thu gom khác là khuyến khích người tiêu dùng phân loại quần áo theo chất liệu, tháo rời nút, dây kéo, phụ kiện khỏi vải. Nếu làm đúng, khách hàng sẽ nhận được giá trị thu mua lớn hơn giá trị thật của vật liệu. Phân loại quần áo, phụ kiện và các lọ thủy tinh đã qua sử dụng để gửi đến điểm thu gom của Resy, Trần Huyền Thanh (25 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: “Việc phân loại rác sẽ giúp đơn vị xử lý dễ dàng hơn và cái hay của nó là giúp mình nhìn lại những món đồ mình đã sử dụng, cái nào là vật dụng bền vững, cái nào là đồ dùng một lần, từ đó mình sẽ biết cách tăng giảm trong sinh hoạt hàng ngày để giảm lượng rác thải nhựa dùng một lần ra môi trường”.
Quần áo sau khi tiếp nhận sẽ được Resy sàng lọc một lần nữa và được chuyển đến các mục đích tái chế khác nhau: quần áo còn tốt cho mục đích cho tặng (reuse); sử dụng làm nguyên liệu cho tái chế nâng cấp (repurpose/upcycle) thành các sản phẩm như túi, thú nhồi bông…; quần áo không còn mặc được xử lý tái chế thành sợi (recycle), hoặc tái chế hạ cấp thành chất nhồi đệm, kết hợp với nhựa thành tấm (downcycle)…
Chị Đỗ Minh Trang, Giám đốc điều hành dự án Resy, chia sẻ: “Hầu hết quần áo cũ kết thúc vòng đời tại bãi rác chôn lấp, và cũng như nhựa mất rất nhiều thời gian để chúng có thể phân hủy, gây các tác hại ô nhiễm cho đất, nguồn nước. Mục tiêu của dự án là tìm hiểu và xây dựng mô hình quản lý rác thải thời trang có nguồn gốc từ tiêu dùng. Khác với các tổ chức thu gom khác, chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng chung tay bằng cách phân loại quần áo cũ, tháo rời phụ kiện và gửi đến các điểm tiếp nhận. Chúng tôi cũng tổ chức các workshop dành cho người tiêu dùng, sinh viên một số trường đại học… về phân loại chất liệu, kiến thức tiêu dùng, hiểu thêm về các khả năng tái sử dụng và tái chế của quần áo”.
Trở về giá trị cốt lõi
Có thể thấy, “sống xanh bền vững” gắn liền với sự cân bằng giữa sự thoải mái trong đời sống với tác động lên môi trường. Sống xanh không phải cực đoan mà là hài hòa bằng các lựa chọn với sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, kéo dài vòng đời sản phẩm, cân nhắc trong tiêu dùng, có trách nhiệm với rác thải… trong khả năng của mình. Nhưng trên thực tế, những mô hình hay dự án tái chế, thu gom rác thải tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong vận hành để có thể duy trì sự bền vững.
Chị Đỗ Minh Trang chia sẻ: “Cách thu gom của Resy là một cách làm mới, dĩ nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhất là khi hạ tầng và công nghệ tái chế cho vải tại Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đội ngũ của chúng tôi vừa làm vừa tìm hiểu và thử nghiệm. Con đường phía trước chắc chắn sẽ còn dài”. Một hành động nhỏ của một cá nhân có thể không tạo ra thay đổi, nhưng nhiều cá nhân sẽ mang lại tác động tích cực.
Ở góc độ doanh nghiệp, như BTR Global VietNam là đơn vị chủ quản của Resy, quan điểm “phát triển bền vững” là sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và tác động lên môi trường, con người và xã hội; tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở hài hòa với lợi ích chung của xã hội và môi trường. Khi bắt đầu hành trình thu gom và tái chế của mình, chị Trang cùng đội ngũ Resy tâm niệm: “Sống xanh là trở về với các giá trị cốt lõi trong lối sống đã có từ thời ông bà, cha mẹ. Và cũng là hướng đến tương lai tốt hơn cho thế hệ tiếp nối. Thế hệ gen Z đã có ý thức về môi trường, đây là điểm thuận lợi cho việc thực hiện lối sống xanh, nhưng khó khăn nằm ở nguồn vốn, mô hình đúng để duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng “sống xanh” nên là một lựa chọn vừa sức và lâu bền, không phải là trào lưu nhất thời. Các sản phẩm phù hợp với tiêu chí xanh đôi khi có giá thành cao hơn sản phẩm thông thường, hay đôi khi nỗ lực của một cá nhân gặp phải sự không đồng lòng từ mọi người xung quanh cũng khiến việc thực hiện lối sống xanh gặp khó khăn, dễ nản lòng”. Hành trình sống xanh bền vững có lẽ cần và nên bắt đầu từ những phần việc bài bản, vững vàng và hướng đến cộng đồng như thế, bởi lẽ cao hơn mọi lợi ích chính là một lợi ích chung, một môi trường sống với những giá trị bền vững, mạnh lành.